Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Giúp con phát triển giác quan và trí tuệ từ những tháng đầu đời

Là mẹ, hẳn ai cũng muốn con mình khỏe mạnh và thông minh. Sự phát triển trí tuệ của bé, ngoài việc phụ thuộc vào di truyền, dinh dưỡng và môi trường sống, còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự tham gia dạy dỗ của những người thân thiết xung quanh. Trong những tháng đầu đời, bé không chỉ cần được ăn và ngủ, bé còn cần được vận động và vui chơi để phát triển các giác quan và trí tuệ, để khơi gợi những khả năng tiềm ẩn trong bé cũng như kích thích sự đam mê tìm hiểu một cách mãnh liệt của bé. Trong bài viết này, mình xin chia sẻ một số phương pháp và bài tập đơn giản để "chơi mà học" cùng với bé, trước hết là bé từ 0 đến 6 tháng tuổi, đã được trải nghiệm thực tế với hai con gái của mình và có hiệu quả tốt.


1. Khám phá từ đôi bàn tay

Đôi bàn tay nhỏ xinh là một kênh giao tiếp đặc biệt quan trọng của bé, là một "công cụ" giúp bé khám phá con người và cuộc sống xung quanh mình ngay từ những ngày đầu khi mới được sinh ra. Biết rằng nói ra điều này có lẽ không phù hợp với quan điểm truyền thống, nhưng mình vẫn bảo lưu ý kiến: hãy mạnh dạn vất đôi bao tay của bé đi. Trừ khi trời quá lạnh, tay bé thực sự không cần bao bịt gì cả. Ngay cả ở những nước ôn đới em bé còn được khuyến khích không dùng bao tay thì cớ gì chúng ta đang sống ở một nước nhiệt đới lại suốt ngày bó buộc các ngón tay của bé? Bao tay là rào cản cho sự phát triển giác quan của bé, chưa kể còn có một số nguy cơ gây hại cho bé nếu không cẩn thận. Hãy cắt ngắn móng tay và vệ sinh bàn tay bé thật sạch, rồi để đôi tay ấy tự do hoạt động theo sở thích khám phá của bé. Hồi Anh Thi còn nhỏ thì mình thỉnh thoảng vẫn đeo bao tay cho bé, nhưng đến Kitty thì "bái bai" với nó luôn.


Trong tháng đầu tiên, bé thường nắm tay rất chặt. Hãy khuyến khích bé "sờ soạng" khi có thể. Thời gian cho bé bú là lúc lý tưởng để làm điều đó. Khi bé thức, hãy nằm đối diện với bé, cho bé sờ mặt mẹ và mỉm cười cũng như nói chuyện cùng bé. Bé chưa thực sự hiểu nhiều nhưng bé cảm nhận được tình cảm âu yếm của mẹ. Hàng ngày khi tắm và massage cho bé, đừng quên tiếp xúc với đôi bàn tay của bé để kích thích sự nhận biết của xúc giác. Khi bé được hai tháng, bé rất đam mê đôi bàn tay của mình. Bé thường xuyên ngắm nghía, mân mê và thậm chí nhét cả tay vào miệng. Lúc này, hãy chơi trò nắm ngón tay: mẹ đưa hai ngón tay cho bé nắm lấy hai bên, điều khiển tay của bé lên xuống nhẹ nhàng hoặc làm động tác xòe nắm và hát cho bé nghe. Hãy dùng những bài hát ngắn có từ TAY và nhấn mạnh hoặc kéo dài khi đến từ này để hình thành sự nhận thức tiềm ẩn trong trí não của bé, ví dụ: "Xòe bàn tay, đếm ngón tay..." hoặc "Một tay em xòe ra, là một bông hoa..." Hãy khuyến khích bé sờ và cầm nắm những vật nhỏ (lưu ý: không được quá nhỏ khiến bé có thể nhét vào miệng, đồng thời phải mềm, sạch và an toàn cho bé cũng như phải luôn giám sát khi bé cầm nắm gì đó). Khi bé được ba tháng, hãy chuẩn bị cho bé một quả bóng mềm vừa tay với bé. Bé sẽ ôm bóng chơi, quan sát màu sắc trên quả bóng và thậm chí tuột tay đánh rơi bóng. Nếu bóng lăn quá xa, hãy đặt bóng bên cạnh người bé để bé lật và với tay lấy. Trò thả bóng, giữ bóng và lấy bóng rèn luyện sự khéo léo cũng như khơi gợi ý thức chiếm hữu trong bé.



Đừng quá lo lắng khi bé mút tay. Đó chỉ là một hành động đầy tính bản năng mà thôi. Nên tôn trọng nhưng có hướng dẫn cho bé, cụ thể là gỡ tay bé ra nhẹ nhàng nếu bé tranh thủ mút tay khi bú hoặc mới bú xong, không để bé mút quá nhiều khiến bé bị lệ thuộc vào thói quen không hay, nhưng thỉnh thoảng trong giờ chơi thì có thể rửa sạch tay và cho bé được chơi bời một chút theo sở thích của bé. Cấm đoán bé có thể khiến bé thiếu tự tin và khó chịu.



Thế còn đôi bàn chân thì sao? Bé thường được đeo vớ để giữ ấm đôi bàn chân, rất có lợi cho sức khỏe của bé. Thỉnh thoảng khi bé thức, hãy tháo vớ cho bé, xoa nắn đôi bàn chân và tập thể dục cho đôi chân. Hãy thơm lên đôi bàn chân trắng hồng của bé nữa. Có thể bé sẽ nhột và cười khanh khách. Khi bé tắm, hãy tạo điều kiện để đôi chân bé được quẫy đạp trong nước. Khoảng 3-4 tháng tuổi, hãy cho bé chơi trò lấy chân kẹp bóng. Ôi, quả bóng bướng bỉnh cứ lăn đi mất, mẹ phải nhặt lên đặt lại vào chân bé. Giờ thì bé cẩn thận hơn rồi. Bé sẽ gắp bóng và co chân về phía mặt để bóng rơi xuống bụng, thật là vui!


2. Thế giới trong mắt con

Khi mới sinh ra, tầm nhìn của bé còn hạn chế. Bé không nhìn được các đồ vật xa và hơn nữa bé ngủ nhiều nên  hãy để bé rèn luyện thị giác một cách tự nhiên. Có thể treo đồ chơi trên cũi, có đèn và nhạc để bé có trải nghiệm "tai nghe mắt thấy". Nên treo tranh trong phòng bé, đặc biệt là những tranh có màu tương phản như đen và trắng sẽ cuốn hút sự chú ý của bé. Những vật ca rô đen trắng như bàn cờ vua rất lý tưởng để bé luyện sự tập trung, không chỉ đơn thuần phát triển thị giác mà còn có lợi cho năng lực tư duy sau này của bé.

Hãy cho bé đi chơi hàng ngày và chỉ cho bé xem những vật gần gũi với môi trường sống. Từ khi sinh ra, Kitty hầu như ngày nào cũng được mẹ đưa đi chơi (ngày xưa Anh Thi cũng vậy). Con không cần phải đi xa, chỉ cần xuống khuôn viên trước nhà, nhìn lá hoa mây trời sông nước, nhìn những chú cún dạo chơi và những người lớn nhỏ qua lại. Không nhất thiết lúc nào cũng bắt bé nằm trong xe đẩy đi, thỉnh thoảng hãy ẵm bé ra, chỉ cho bé những thứ khác nhau, chẳng hạn như bông hoa và nói từ đó nhiều lần để dần dần hình thành sự nhận thức trong bé.



Khi bé được 3 tháng, mẹ hãy cùng bé nằm trên giường và đưa gương cho bé xem (lưu ý: tuyệt đối không được để cho bé chơi với gương một mình). Ban đầu, đừng vội làm gì cả, chỉ giơ gương cho bé nhìn thấy khuôn mặt hai mẹ con ở trong đó. Ồ, ngạc nhiên chưa, có một người giống hệt mẹ mình, lại có một đứa bé xíu nào bên cạnh nữa. Sau đó, hãy mỉm cười để bé thấy nụ cười của mẹ trong gương, đưa tay chỉ và nói "mẹ, mẹ". Hãy khuyến khích bé nhìn mặt mẹ rồi lại nhìn vào gương để so sánh. Tiếp đến, hãy hướng sự tò mò của bé sang cái "đứa nhỏ xíu" kia. Cầm bàn tay bé lên và chỉ vào đó, bé sẽ thấy đứa kia cũng đang đưa tay lên. Hãy đặt vào tay bé một món đồ chơi cho bé soi gương và so sánh. Bé càng lúc càng linh hoạt hơn và mong muốn khám phá. Soi gương là một bài tập vừa rèn luyện thị giác vừa phát triển óc quan sát của bé.

3. Lắng nghe âm thanh cuộc sống

Khi bé mới sinh, hãy kích thích phản xạ nghe của bé bằng đồ chơi treo cũi, giọng nói và tiếng hát khe khẽ, nhạc hòa tấu, tiếng chuông gió leng keng và tiếng vỗ tay theo nhịp khi chơi cùng bé. Bé sơ sinh phản ứng với âm cao tốt hơn âm trầm, do đó thỉnh thoảng hãy giả giọng trẻ con lanh lảnh và trong trẻo để tạo hứng thú cho bé. Khi được một tháng, hãy hướng dẫn cho bé nghe và nhận thức những âm thanh khác nhau như tiếng dịch chuyển đồ vật, tiếng chuông điện thoại... Lúc này, cái lục lạc là đồ chơi phù hợp cho bé. Bé cũng dần dần nhận thức được những âm thanh cuộc sống khi được đi chơi như tiếng cười nói của người qua lại, tiếng lá cây xào xạc, tiếng động của nước... Bé càng lớn thì nhu cầu giao tiếp với xã hội càng cao, do đó đừng hà tiện giờ đi chơi bên ngoài của bé.

Với những bé 2-3 tháng tuổi, nên chọn các đồ chơi có tính kết hợp phát triển nhiều giác quan (tai nghe, mắt thấy, tay sờ...) Ví dụ: Kitty khi biết lật đã được nằm chơi với tấm thảm nông trại nhiều màu sắc. Khi bé thấy con bò, bé thò tay chạm vào thì nó sẽ phát ra tiếng kêu của con bò; hoặc chạm vào gà mái thì gà sẽ cục ta cục tác, chạm vào chó thì chó sẽ sủa gâu gâu, chạm vào cừu thì cừu kêu be be, chạm vào vịt thì vịt cạp cạp, chạm vào ếch thì kêu ộp oạp, chạm vào ngựa thì ngựa hí... Thật là một trò chơi vui nhộn khiến bé cười nắc nẻ, mải mê làm đi làm lại để quan sát, lắng nghe và ghi nhớ.


Trong những tháng đầu đời, khướu giác và vị giác của bé chủ yếu là phản xạ theo vị sữa, mùi sữa và mùi cơ thể mẹ. Ngoài ra, động tác mút là một động tác đầy bản năng được bé yêu thích, nên khi cho bé bú, hãy tận dụng cơ hội để đầu ti mẹ chạm vào hàm trên, hàm dưới và lưỡi của bé, tạo một sự cảm nhận đặc biệt cho bé.

4. Tăng cường giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ cơ thể và hưởng ứng nụ cười của bé

Hãy thường xuyên cho bé nhìn ngắm những phản ứng của khuôn mặt cũng như sử dụng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với bé. Hãy cười với bé, nhăn mặt với bé, lè lưỡi trêu cợt bé... Hãy làm những động tác ngộ nghĩnh và hồn nhiên như một người bạn của bé vậy, và khi được hưởng ứng, bé sẽ ham mê làm trò một cách vui tươi và lém lỉnh khiến mẹ phát ghiền cho mà xem. Những cảm xúc trên gương mặt mẹ là những bài học thực tiễn và sinh động có ảnh hưởng rất nhiều đến trí tuệ và tâm hồn của bé. Ba mẹ có thể giao tiếp với bé bất cứ lúc nào: khi bé bú, bé chơi, khi tắm, massage và cả khi thay tã cho bé. Ngay cả khi bé ngủ, đôi mắt nhìn ngắm dịu dàng của mẹ cùng lời ca khe khẽ cũng tác động tích cực đến tiềm thức của bé.

Nụ cười có tác dụng với người lớn ra sao thì cũng có tác dụng với bé như vậy, do đó hãy hưởng ứng nụ cười của bé. Khi bé cười, hãy cười lại, vỗ tay, tỏ ra rất vui thích để bé thấy mình được khuyến khích. Hãy nói chuyện nhiều với bé, thỉnh thoảng thơm vào phần dưới cằm bé để bé cười phá lên.




5. Các bài tập vận động

Hãy cho bé vận động với một thái độ tích cực và vừa sức với bé. Bé được vận động nhiều sẽ có cơ thể săn chắc hơn, cứng cáp hơn (dù có thể trông bé không bụ bẫm theo quan điểm truyền thống), bé cũng phản xạ nhanh và linh hoạt hơn. Vận động còn giúp bé sảng khoái, vui vẻ và minh mẫn.

Vận động trong nước: Sau khi bé rụng rốn, hãy cho bé được đập tay đập chân thoải mái trong nước. Ban đầu, mẹ nên hướng dẫn bé làm cho đúng cách. Từ một tháng tuổi trở đi, hãy tập cho bé co duỗi chân trong nước bằng cách đặt một quả bóng bồng bềnh ngay chân bé để bé co chân lại đạp ra xa, sau đó mẹ lại đặt vào vị trí để bé tiếp tục đạp. Kitty nhà mình thì vừa đạp vừa cười nắc nẻ nữa, rất là thư giãn. Ngoài ra, hãy xoay người bé nằm nghiêng trong nước, có thể đặt các con thú chíp gần đó để bé tập với. Đây là bài tập đầu tiên giúp bé dần hình thành phản xạ lật mà không làm bé mệt vì môi trường nước giúp giảm trọng lực cơ thể rất nhiều. Sang 2 tháng, hãy tập cho bé các động tác đập chân, bơi ngửa dù bé chưa thực sự bơi được. Khi bé đã biết lật và giữ cứng cổ, có thể lật sấp bé nằm trong nước với sự giám sát chặt của người lớn.


Tập thể dục hàng ngày: Bé cũng cần được tập thể dục như người lớn vậy. Thể dục đúng cách giúp bé nhanh phát triển các kĩ năng lật, ngồi, bò, đứng, đi một cách tự nhiên. Lưu ý: bé sẽ tự thành thạo các kỹ năng khi bé đủ cứng cáp, đừng cố tác động lên bé một cách khiên cưỡng mà ảnh hưởng đến hệ xương còn non yếu của bé, tuy nhiên có thể hướng dẫn để bé tự tập luyện và bé sẽ tự quyết định thời điểm nào là phù hợp để hoàn thiện kỹ năng.

Mẹ có thể bật nhạc trong thời gian bé tập thể dục, hoặc hãy hát và tạo âm thanh từ miệng khi tập cho bé. Cá nhân mình thì thường chọn phương án thứ hai.

- Động tác tay: Vừa hát vừa tập cho bé theo bài "Thể dục buổi sáng" (Một - Tay giơ cao lên trời. Hai - Tay dang ngang bằng vai. Ba - Tay song song trước mặt. Bốn - buông thả hai tay). Có thể tập cho bé từ vài ngày sau khi sinh, càng lớn càng tăng dần. Đồ chơi hỗ trợ (khi bé được một tháng tuổi): bộ lục lạc đeo tay/chân hình thú bông ngộ nghĩnh có phát ra tiếng kêu nho nhỏ vui tai.


- Động tác chân: Xoa nắn chân cho bé. Tập cho bé co duỗi chân, nâng lên hạ xuống, vừa làm vừa tạo ra các âm thanh túc tắc vui tai để bé được thư giãn. Có thể tập cho bé từ vài ngày sau khi sinh, càng lớn càng tăng dần. Đồ chơi hỗ trợ (khi bé được một tháng tuổi): bộ lục lạc đeo tay/chân hình thú bông ngộ nghĩnh có phát ra tiếng kêu nho nhỏ vui tai.


- Động tác ngón tay: Nắm bàn tay bé, mở từng ngón tay rồi lại xếp vào, lần lượt tay này đến tay kia. Mình thì vừa làm như vậy vừa đọc bài thơ "Những ngón tay xinh" mà mình viết cho con. Động tác này giúp các ngón tay của bé linh hoạt.

- Động tác cổ: Đồ chơi hỗ trợ là những con rối tay xinh xắn hoặc quả bóng đầy màu sắc. Mẹ xỏ tay vào con rối, điều khiển ngúc ngắc đầu rối và đưa trước mặt cho bé xem. Khi bé đã chăm chú nhìn, hãy từ từ đưa lên phía trán bé, bé sẽ ngước mắt và ngửa cổ ra để nhìn, tiếp đó mẹ hạ tay xuống để bé cúi cổ. Đưa rối sang trái và sang phải để bé quay đầu theo. Đây là bài tập rèn luyện thị giác và cơ cổ, giúp cổ bé mau cứng cáp. Có thể bắt đầu tập khi bé được 1 tháng.


- Động tác vặn mình: Đồ chơi hỗ trợ là chiếc lục lạc nhiều màu sắc có tiếng kêu leng keng vui tai. Hãy gõ lục lạc xuống giường cạnh hông của bé (bên trái hoặc bên phải tùy ý). Bé sẽ lắng nghe và hướng mắt về phía có tiếng kêu để tìm kiếm. Ban đầu bé chỉ dừng lại ở mức độ lắng nghe và quan sát thôi. Sau đó, bản năng chiếm hữu kích thích bé mãnh liệt khiến bé xoay hông và với tay. Nếu bé lấy được, hãy cho bé cầm nắm một chút để thưởng cho nỗ lực của bé. Sau đó tiếp tục lặp lại động tác nhưng đổi bên. Người bé quay qua quay lại một cách uyển chuyển và linh hoạt giúp bé nhanh biết lật. Có thể bắt đầu tập khi bé được 1 tháng. Nên nhớ rằng nếu bé không tự xoay người được thì cũng chẳng sao cả. Bé sẽ tự quyết định mình sẽ làm gì khi bé đủ cứng. Đừng dùng tay đẩy bé. Mẹ chỉ là người hướng dẫn và khuyến khích để bé tự tập luyện, nhưng phải tôn trọng quyết định của bé.

Nhờ các động tác cơ bản trên đây kết hợp với chế độ phơi nắng thường xuyên mà 2 cô con gái của mình khá cứng cáp và đều biết lật lúc 2,5 tháng (bé tự lật, mẹ hoàn toàn không ép).


- Động tác bụng: Đặt bé nằm ngửa, một tay nâng lưng và một tay đỡ đầu bé rồi từ từ nâng lên như tư thế ngồi hơi ngả lưng, cho mặt bé hướng vào mặt mẹ. Có thể chơi ú òa với bé hoặc làm các điệu bộ trên khuôn mặt để vui đùa cùng bé. Có thể tập động tác này từ 2 tháng tuổi.

- Động tác trườn: Cho bé nằm sấp, tay mẹ nắm lấy hai bàn chân bé và đặt hai gót chân chạm nhau, đẩy đùi bé về phía hai bên. Theo phản xạ bé sẽ nhích về trước chút xíu, lúc đó mẹ ấn bàn tay mình xuống giường để tạo điểm tựa cho bé. Có thể tập động tác này từ 3-4 tháng tuổi.

- Động tác đi bộ dưới nước: Tay mẹ giữ nách cho bé đứng thẳng, chân đặt trên sàn bể (nhớ không để bé nhón chân). Bé sẽ tự bước về trước theo phản xạ và mẹ điều chỉnh theo nhịp bước của bé trong khi vẫn duy trì lực nâng. Bé bước trong nước nhẹ hơn trên cạn nhiều nên bé không mệt, lại được làn nước ấm vỗ về đôi chân khiến bé rất thích. Có thể tập động tác này từ 4-6 tháng tuổi.


Tóm lại, hãy khuyến khích bé vui chơi, vận động và học hỏi dưới sự hướng dẫn của ba mẹ. Đừng để bé vận động quá mức khiến bé khó ngủ hoặc hiếu động thái quá, cũng đừng ép buộc bé khi bé chưa thực sự sẵn sàng. Hãy chơi cùng bé một cách thiện chí và sáng tạo, xem đó cũng là giờ thư giãn của mẹ, tập luyện cho bé vừa sức và đúng thời điểm. Bé thực sự trưởng thành rất nhiều qua những trò "học mà chơi, chơi mà học". Nên nhớ: bé là một con người chứ không phải là một củ khoai tây!

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Con làm bánh flan

Con thích bánh flan nên mẹ vẫn hay làm cho con ăn. Con bảo thích bánh của mẹ hơn bánh nhà hàng (khéo nịnh ghê), rồi lại bảo khi nào lớn mẹ dạy con làm với. Mẹ bảo: "Làm bánh này dễ lắm, giờ con cũng làm được chứ cần gì lớn". Vậy là con đòi mẹ chỉ cách làm luôn. Đây là mẻ bánh mà con tự tay làm theo công thức của mẹ, tuy chưa thật xuất sắc nhưng mẹ cũng phục lăn vì bằng tuổi con bây giờ mẹ thậm chí còn không biết cái bánh flan mồm ngang mũi dọc như thế nào.

Con làm bánh như thế này nhé.

Nguyên liệu: 3 trứng gà (lấy 3 lòng đỏ và 2 lòng trắng); 1 bịch sữa tươi không đường 220ml; 1 hộp sữa Ông Thọ mini 40g.


Con dùng khuôn bánh silicon như thế này:


Thực hiện:

Trước hết cho 2 muỗng đường + 2 muỗng nước vào chảo nhỏ để làm caramen (riêng vụ này mẹ làm):



Từ đoạn này trở đi con làm:

Tráng đường caramen vào khuôn, để cho khô

Đánh trứng thật mịn

Đổ sữa tươi vào

Cho trứng vào sữa, lược qua rây để hỗn hợp được mịn màng hơn

Đổ sữa Ông Thọ vào hỗn hợp trứng và sữa, khuấy đều

Rót vào khuôn

Cho khuôn vào nồi hấp, hấp cách thủy trong 20 phút. Để bánh không bị rỗ mặt thì đậy khuôn bằng màng bọc thực phẩm. Mẹ bảo rằng có thể thử bánh chín chưa bằng cách lấy que tăm chọc vào, nếu không dính vụn bánh là bánh chín. Tuy nhiên với công thức như trên thì cứ bật bếp 20 phút là bánh chín nên con không cần thử nữa. Bánh để nguội rồi cho vào tủ lạnh. Đây là thành phẩm của con nè (với lượng trứng, sữa như trên thì con có thể "xuất xưởng" được 6 chiếc bánh như vậy):





Bonus thêm cái ảnh bánh rau câu chocolate của chồng:


Măm măm thôi nào!

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Dạo chơi quanh nhà (phần 2)

Hầu như sáng nào mẹ cũng cho hai con gái xuống khuôn viên trước nhà dạo chơi - tận hưởng cái không gian của "nơi bình yên chim hót".