Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Nói thêm về Baby Led Weaning

Sau khi mình viết các bài chia sẻ về phương pháp ăn dặm Baby Led Weaning thì khá nhiều bạn hỏi thăm và cũng có một số thắc mắc vì nó có nhiều khác biệt so với các phương pháp truyền thống. Mình tổng hợp lại các câu trả lời của mình tại đây để bạn nào quan tâm thì tham khảo và chia sẻ nhé.

1. Bé ăn thô ngay từ đầu như vậy có sợ bé hóc không?

Như mình đã viết trong bài đầu tiên, nguyên nhân khiến bé hóc thường là do bé thiếu chủ động kiểm soát món ăn. Khi bé tự ăn, bé sẽ quyết định ăn bao nhiêu và ăn như thế nào nên chuyện hóc ít khi xảy ra. Nếu miếng quá to so với khả năng tiếp nhận của bé, bé sẽ nhè ra. Tuy nhiên, khả năng bé ọe là hoàn toàn có thể. Bạn không cần phải lo lắng về điều đó vì đây chỉ là phản ứng tự nhiên của bé khi chưa quen với thức ăn. Chỉ sau vài ngày hoặc thậm chí nhanh hơn, bé đã học được cách xử lý thức ăn thế nào để không bị ọe nữa. Thực ra các bé rất giỏi, chỉ tại ba mẹ thiếu tin tưởng vào bé mà không để cho bé tự quyết định thôi.

2. Bé ăn như vậy có thiếu dưỡng chất hay không?

Muốn biết bé ăn có đủ chất dinh dưỡng hay không thì phải xem bé ăn cái gì và ăn được bao nhiêu. Mình ví dụ các bạn cho bé ăn cháo theo phương pháp truyền thống, thì bữa ăn gồm có cháo nhuyễn, thịt, rau. Khi theo phương pháp BLW, bạn cũng cung cấp cho bé những món ăn như thế với khẩu phần vừa đủ nhưng ở hình thức khác. VD cho bé một ít bánh mì mềm, mấy miếng thịt gà và rau luộc mềm. Nếu bé xử hết phần đó thì lo gì bé thiếu chất? Ngược lại, nếu bé ăn rất ít thì cũng chẳng sao vì sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính trong năm đầu của bé. Dần dần bé sẽ ăn nhiều lên và điều chỉnh lượng sữa lại. Nhu cầu cơ thể  là kim chỉ nam giúp bé quyết định ăn cái gì và ăn bao nhiêu.

3. Cho bé dùng dầu ăn bằng cách nào nếu bé theo phương pháp BLW?

Bé cần có lượng chất béo cần thiết để phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Khi bé được cho ăn bột hoặc cháo thì bạn có thể dễ dàng trộn 1 muỗng dầu ăn vào chén của bé. Với bé theo BLW, bạn có thể cho bé ăn nhiều quả bơ. Bơ mềm mịn, dễ cắt thanh và bé rất dễ nhai nghiền kể cả khi chưa có răng. Quả bơ lại nhiều dưỡng chất, dễ tiêu hóa và giàu chất béo đơn nguyên không bão hòa (monounsaturated fats) rất tốt cho sức khỏe của bé - chất béo này cũng hiện diện ở các loại dầu thực vật. Thỉnh thoảng bạn cũng có thể luộc nước gà cho bé uống, hoặc cho bé dùng nước canh có bổ sung dầu em bé. 

4. Bé chưa có răng, vậy làm sao có thể nghiền nát hết thức ăn? Nhỡ bé bị đau dạ dày thì sao?

Bé chưa có răng thì bạn phải luộc hoặc hầm thức ăn thật mềm cho bé để bé nhá bằng nướu (lợi). VD: thịt gà luộc mềm, thịt bò hầm mềm, cơm chọn loại gạo dẻo, rau cũng luộc mềm, các loại sợi mềm dễ ăn như mì ý..., trái cây cũng chọn những thứ mềm như bơ, xoài, đu đủ... Khi bé đã có răng thì có thể cho bé ăn những thứ cứng hơn một chút.

Thực tế nếu bé ăn quá nhuyễn một thời gian dài thì hệ tiêu hóa của bé cũng trở nên bị động và khó thích ứng hơn khi tiếp nhận nhiều loại đồ ăn mới.

5. Khẩu phần ăn của bé nên bao gồm những thứ gì?

Nói chung, ăn theo phương pháp BLW chỉ khác biệt về cách ăn, không khác lắm về loại thức ăn. Bạn có thể cho bé ăn hầu hết các loại thức ăn thông thường nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm. Bữa ăn của bé nên bao gồm tinh bột (cơm, xôi, bánh mì, mì sợi, khoai tây, khoai lang...); đạm (thịt băm viên, thịt luộc hoặc hầm mềm, cá viên, thịt gà chọn nạc, bỏ da để cả miếng cho bé mút và tự xé sợi, tôm hấp lột vỏ, thịt cua, đậu hũ luộc, chả...); rau (bông cải, cà rốt luộc mềm, các loại đậu que bỏ hạt, rau luộc...). Bé tráng miệng bằng các loại trái cây thịt mềm, không hạt. Tóm lại thực đơn rất phong phú và gần gũi với gia đình nên bạn có thể lấy ngay trong phần ăn gia đình hàng ngày trước khi nêm nếm, đỡ mất công chuẩn bị rườm rà. Lưu ý là không cho bé ăn dạng hạt, quả tròn nhỏ và ăn tư thế nằm.

6. Bao giờ thì bắt đầu cho bé ăn theo phương pháp BLW?

Khi bé sẵn sàng, lý tưởng là lúc 6 tháng vì thời điểm này bé có thể ngồi (tự ngồi hoặc người lớn hỗ trợ) và có thể tiêu hóa nhiều thức ăn ngoài sữa. Tuy nhiên, không bao giờ là trễ để bé tập ăn theo phương pháp này.

7. Có thể kết hợp BLW với phương pháp truyền thống không?

Tất nhiên là có thể, và giải pháp này có vẻ dễ làm các bậc phụ huynh Việt Nam yên tâm hơn, mặc dù khi biến tấu như vậy thì BLW không còn giữ được tinh thần cơ bản của nó là để bé tự quyết định hoàn toàn. Nếu bạn cảm thấy chưa tự tin lắm với phương pháp BLW, bạn có thể đút cho bé ăn cháo/bột một buổi trong ngày và bữa kia cho bé tự xử lý.

8. Lỡ cho ăn theo kiểu truyền thống, giờ muốn đổi sang BLW thì phải làm sao?

Như đã nói, không bao giờ trễ nếu bạn muốn chuyển sang BLW. Bạn có thể chuyển từ từ bằng cách giảm bữa đút cho bé lại, đến giờ ăn thì cho tham gia với gia đình và đưa đồ ăn cho bé tự xử. Bé ăn được bao nhiêu tùy bé, không ép bé và cũng không khó chịu nếu bé quăng đồ lung tung. Bé sẽ dần vào nền nếp và điều chỉnh hành vi của mình. 

9. Làm sao để tập cho bé dùng muỗng, chén?

Đương nhiên là bé không ăn bốc cả đời rồi. Bé rất thích bắt chước người lớn nên hãy cho bé quan sát người lớn ăn. Hãy sắm cho bé bộ đồ ăn an toàn để bé tự cầm chơi và tập xúc. Tay bé sẽ khéo léo lên theo thời gian cùng sự luyện tập một cách tự nhiên.


Còn đây là hình ảnh Kitty ăn bông cải xanh trong giai đoạn đầu của Baby Led Weaning, ăn xong em còn biết vệ sinh miệng nữa nhé.



Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Tâm sự của chiếc muỗng

Tôi xuất thân từ một gia đình danh tiếng - dòng họ Take & Toss - nơi đã sản sinh ra rất nhiều sản phẩm hữu ích dành cho em bé. Từ nước Mỹ xa xôi, tôi được đưa về một đất nước miền nhiệt đới để làm bạn với cô chủ nhỏ. Kể từ đây tôi sống một cuộc đời khác. Tôi không còn nằm yên trong chiếc hộp lạnh lẽo, tôi thực sự trải nghiệm một cuộc sống vui tươi và tràn đầy cảm xúc.

Khi tôi lần đầu gặp cô chủ, tôi rất ngỡ ngàng vì cô còn bé quá. Tôi băn khoăn tự hỏi: "một khi cô ấy chưa ăn dặm thì tôi có thể giúp được gì nhỉ?" Ấy thế mà tôi đã nhầm. Quả là cô còn bé thực, nhưng vào thời điểm ấy cô không dùng tôi để ăn. Cô cầm nắm tôi trong bàn tay nhỏ xíu. Những ngón tay xinh xinh hết xòe ra lại nắm vào, cầm lấy tôi và vung vẩy trước mặt. Tôi - đúng ra là các anh chị em chúng tôi - khoác lên mình những chiếc áo nhiều màu sắc nên cô chủ rất thích. Mẹ cô chủ dùng tôi để giúp cô phát triển xúc giác và thị giác từ những tháng đầu đời. Tôi trở nên hữu ích như vậy đó.



Chúng tôi là 16 chiếc muỗng mềm xinh xắn bằng nhựa không độc hại, không chứa BPA, không sắc cạnh nên rất an toàn cho các bé. Trên mình chúng tôi có khắc dòng chữ "the first years" - đó là thông điệp nhắn nhủ chúng tôi hãy là người bạn thân thiết của các cô bé, cậu bé trong những năm tháng đầu đời. Như tôi đã nói, từ 1-2 tháng tuổi, cô chủ đã chơi cùng tôi mỗi ngày để tập cầm nắm và quan sát. Khi bắt đầu bước vào thời kỳ ăn dặm, cô đón lấy tôi với vẻ hồ hởi vì cô đã quen tôi từ lâu. Cô biết tôi mềm mại lắm nên cô chẳng ngần ngại gì mà không cho vào cái miệng xinh xinh chưa có cái răng nào để nhá. Thỉnh thoảng cô nắm lấy tôi gõ bồm bộp vào khay ăn, tôi cũng chẳng lấy làm phật ý vì tôi biết cô hồn nhiên lắm. Vì tôi là chiếc muỗng an toàn nên cô chủ được mẹ cho phép tự cầm tập xúc ăn. Đôi khi tôi phải bật cười vì cô ăn thì ít mà bôi bẩn thì nhiều, nhưng tôi cũng hiểu là cô đang học ăn, rồi sau này khi tay cô đã khéo léo hơn, cô sẽ điều khiển tôi thành thạo cho mà xem.





Thân hình tôi vốn gọn nhẹ nên tôi được phép theo cô chủ trong những chuyến đi chơi xa của gia đình. Tôi không chỉ xuất hiện bên cô vào giờ ăn, mà cả giờ chơi và giờ học nữa. Mẹ cô chủ bảo rằng, sau này khi cô lớn hơn chút nữa, thì tôi sẽ là đồ chơi để cô bé học nhận diện màu sắc, và tôi cũng là que tính để cô học đếm. Tôi có nhiều công dụng như thế đấy.

Bây giờ tôi đã là người bạn thân thiết của cô chủ. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười thích thú của cô mỗi lần nắm lấy tôi. Tôi yêu đôi bàn tay nhỏ bé và cái miệng xinh xắn của cô. Tôi thấy cuộc đời thật đẹp vì tôi hiểu mình là một vật có ích, thực sự đồng hành cùng người bạn nhỏ suốt những năm tháng đầu đời.

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Trồng cà chua treo

Sống trong những căn hộ nho nhỏ ở thành phố không có nghĩa là chúng ta mất đi cơ hội làm "nông dân thành thị". Nhà mình chỉ có 2 cái bồn ở ban công, trồng tả pí lù từ rau đến hoa, bây giờ lại sắp sửa bon chen với công cuộc trồng cà chua treo ngược.

Kế hoạch trồng cà chua treo ngược này được mình nung nấu lâu lắm rồi, khi tình cờ nhìn thấy cái ban công đầy giỏ treo của các bạn Tây với những chùm cà chua đỏ mọng treo lủng lẳng. Mình trồng cà chua từ dưới đất lên theo cách thông thường thì cây không thể có dáng đẹp như thế, bởi cà chua vốn thân yếu, cành lá nghều ngào. Nhưng khi trồng trong giỏ treo lên cao, thân chúc ngược xuống, những chùm cà chua buông rủ thì lại đẹp vô cùng. Mình share tấm hình trên mạng để mọi người thấy được vẻ lãng mạn rất đời thường này.


Quy trình trồng cà chua kiểu này khá đơn giản, các bạn có thể tham khảo thêm ở trang tomatocasual.com. Bây giờ, mình chuẩn bị đặt mua giỏ chuyên dụng để trồng cà chua treo ngược, khi nào mình làm "chuột bạch" xong thì sẽ lên đây phổ biến bí kíp và kinh nghiệm nha.

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Sinh nhật cho mình

Ngày 5 tháng 9.

Hôm nay con gái đến trường để làm lễ khai giảng. Còn mẹ đón chào một ngày mới - HAPPY BIRTHDAY TO ME!