Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Thắt chặt tín dụng bất động sản: Cẩn trọng không để nước ngoài thao túng

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã đưa ra thông điệp "không nới lỏng tín dụng bất động sản” trong thời gian tới khiến các nhà đầu tư bất động sản không còn hy vọng thị trường này sẽ khởi sắc...

Thị trường bất động sản vốn đã ảm đạm nay lại càng trở nên trầm lắng khi thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước quyết định sẽ không nới lỏng tín dụng bất động sản, Ảnh: Hoàng Long 

Nhà đầu tư tìm cách chuyển nhượng dự án


Thị trường bất động sản vốn đã ảm đạm từ sau khi chủ trương thắt chặt tín dụng, kiềm chế lạm phát của Chính phủ được thực thi từ tháng 3-2011, nay lại càng trở nên trầm lắng khi thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước quyết định sẽ không nới lỏng tín dụng bất động sản. Thông điệp này được đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua.

Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến khẳng định: Chính phủ vẫn chủ trương thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt và kiểm soát tốt các tăng trưởng tín dụng ở mức 20%, đồng thời kiểm soát tín dụng đối với một số lĩnh vực, trong đó có bất động sản, chứng khoán ở mức thấp và sẽ không có chuyện nới lỏng tín dụng thuộc các lĩnh vực này.

Trước thông tin trên, nhiều ý kiến cho rằng, rất có thể thị trường bất động sản Việt Nam trong vài năm tới sẽ có một bước ngoặt lớn, với ưu thế thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài.

Một nhà đầu tư bất động sản cho biết: Đầu vào khó, đầu ra chật vật, nên tất yếu doanh nghiệp bất động sản lâm vào bế tắc. Và khi không còn cách nào khác, việc bán rồi chuyển nhượng một phần hay toàn bộ dự án là giải pháp được nhiều doanh nghiệp chọn lựa. Theo thống kê của cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, trên thị trường bất động sản thành phố này đã có hơn 20 vụ chuyển nhượng thành công được ghi nhận, trong đó phần lớn là chuyển nhượng giữa các doanh nghiệp Việt cho doanh nghiệp nước ngoài, hoặc liên doanh.

Một số chuyên gia cho rằng, nếu diễn biến tiếp tục theo hướng thắt chặt nguồn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, thị trường này sẽ tiếp tục gặp khó trong thời gian tới. Nguy cơ các nhà đầu tư phải tìm nguồn vốn ở các ngân hàng nước ngoài hoặc đi vay nóng ở quỹ tín dụng "đen” rất có thể sẽ xảy ra. Tuy nhiên, theo ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, khả năng này là có nhưng sẽ không cao. Ông Lực lý giải, lãi suất cho vay hiện nay của các ngân hàng thương mại nước ngoài cũng cao không kém gì ngân hàng thương mại trong nước. Và bản thân các ngân hàng này cũng rất cẩn trọng với lĩnh vực tín dụng phi sản xuất như chứng khoán, bất động sản... Chỉ có những nhà đầu tư nào "đường cùng” bất đắc dĩ, đứng bên bờ vực phá sản mới "làm liều” khi mà hết cách để "cứu chữa”.

Ông Lực cũng cho biết, chính thông điệp của Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã tạo nên một bức tranh "chuyển nhượng” đã và đang diễn ra tại thị trường này. Một số nhà đầu tư đã tìm cách sang nhượng các dự án cho các doanh nghiệp lớn, hầu hết là các nhà đầu tư nước ngoài. Việc làm này cũng là chuyện thường tình bởi họ không còn cách nào khác để tháo gỡ khó khăn trong tình thế hiện nay. Song, ông Lực cũng lo ngại, nếu không cẩn thận, hầu hết các dự án bất động sản có tên tuổi sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Cần linh hoạt với từng loại hình bất động sản


Bởi vậy, để tránh những mất mát không đáng có, cũng như cứu nguy cho thị trường bất động sản thời gian tới, ông Lực cho rằng, kiên định trong chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý, song cũng cần linh động hơn đối với từng loại hình bất động sản. Thời gian tới, nên phân loại các dự án bất động sản để cân nhắc xem dự án nào nên cung cấp vốn, dự án nào tuyệt đối không cho vay. Ông Lực đơn cử, đối với các dự án chung cư cao cấp, trung tâm thương mại... thì tuyệt đối không cho vay, tránh việc doanh nghiệp vay tiền để đền bù, giải phóng mặt bằng, vừa nhằm chiếm đất để dành, vừa đầu cơ chờ tăng giá... Nhưng đối với các dự án phục vụ cho mục đích an sinh xã hội như nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội... thì nên nới lỏng, điều chỉnh linh hoạt hơn.

Theo nhận định của các chuyên gia, nếu coi thị trường bất động sản là lĩnh vực phi sản xuất và ngừng cho vay toàn bộ hoạt động của lĩnh vực này một cách không chọn lọc và thiếu linh hoạt sẽ gây nhiều tổn thất cho doanh nghiệp, thiệt hại cho các ngành sản xuất trực tiếp và bất ổn cho hệ thống tài chính ngân hàng.

Theo Đại Đoàn Kết


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét