Môi giới là một ngành có thu nhập cao. Tuy nhiên, để trở thành một chuyên viên môi giới bất động sản chuyên nghiệp đúng nghĩa thực tế không phải là điều dễ dàng. Ngoài việc phải có kiến thức và kỹ năng tốt, người môi giới bất động sản đúng nghĩa còn phải có một tâm hồn đẹp.
Chuyên viên môi giới bất đông sản: Anh là ai ? Ảnh: REM Media
Tại các nước công nghiệp phát triển, nghề môi giới bất động sản (BĐS) có thu nhập khá cao so với mặt bằng thu nhập của những ngành nghề khác trong xã hội. Thu nhập chính của nghề môi giới BĐS từ tiền hoa hồng của người bán và các dịch vụ khác cộng thêm.
Tuy nhiên, thực tế bao nhiêu người có thu nhập như mong muốn ? Con số thống kê tại Úc cho thấy năm 2010, có 50% nhà môi giới BĐS bỏ nghề, chỉ còn 20% theo nghề, số còn lại làm bán thời gian. Những số liệu này cho thấy không phải ai cũng làm nghề môi giới BĐS được. Vậy, làm cách nào để có thể thành công trong nghề môi giới BĐS ? Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản thì có 3 yếu tố không thể thiếu đối với một chuyên viên môi giới.
1. Kiên trì
Chúng ta thử hình dung, mỗi ngày, một chuyên viên môi giới gọi 100 cuộc điện thoại để chào hàng và bị từ chối 98 cuộc gọi. Trong hai cuộc còn lại, một cuộc gọi khách hàng ra vẻ quan tâm và một cuộc gọi còn lại chỉ để hỏi giá? Liên tục trong 3 tháng như vậy không có giao dịch được thực hiện (như giai đoạn “đóng băng” hiện nay). Nếu bạn rơi vào hoàn cảnh đó và với cái bụng “xẹp lép” liệu bạn còn muốn theo đuổi nghề môi giới nữa không ?
Trong đa số trường hợp người môi giới sẽ rơi vào tâm trạng chán nản, tình trạng mất tự tin bắt đầu nhen nhóm và lăm le bỏ nghề. Vào thời điểm đó, các chuyên viên môi giới phải hiểu rằng không có con đường thành công nào đang trải thảm đỏ chờ đợi bạn phía trước. Nhà môi giới luôn phải đối diện với những tình trạng kinh doanh nói trên là câu chuyện bình thường trong nghề. Trong hoàn cảnh đó chuyên viên môi giới phải tự hỏi: Tôi đã chọn sai phân khúc thị trường; Phân khúc mà tôi đang theo đuổi không phù hợp với khả năng; Chuyên môn của tôi có vấn đề; Kiến thức nào của tôi còn hạn chế; Các kỹ năng mềm (soft skill) nào chưa được hoàn thiện ?
Chỉ khi bạn tìm ra được câu trả lời và có giải pháp cải thiện là lúc mà bạn đã đi gần đến con đường thành công! Nghề môi giới BĐS không dành cho những người thiếu kiên trì và “yếu bóng vía”.
2. Hiểu đúng bản chất của nghề môi giới
Những giai đoạn “hoàng kim” của BĐS trước đây, kiếm tiền từ môi giới quá dễ mà không cần phải đầu tư kiến thức. Trong giai đoạn đó nhà môi giới chỉ cần “uốn ba tất lưỡi” là có thể làm giá, tạo cơn sốt ảo thế là có thể kiếm vô số tiền. Cái thời đó đã qua và không có cơ hội lặp lại. Giai đoạn hiện nay, nghề môi giới BĐS đã “sang trang”. Giờ đây, những ai muốn hành nghề trong lĩnh vực môi giới BĐS phải hiểu rằng: “Không có kiến thức và chuyên môn sẽ không tồn tại được trong nghề”.
Hiện, khách hàng rất thông minh nên họ nhận ra ngay nhân viên môi giới nào là chuyên nghiệp hoặc không. Họ sẽ “chọn mặt gửi vàng” rất kỹ, trước khi quyết định có làm việc với bạn hay không ? Hãy chuẩn bị tinh thần và trang bị cho mình một “hành trang” kiến thức đầy đủ trước khi đến với nghề môi giới BĐS.
3. Khiêm tốn và cầu thị
Hiện nay, một số chuyên viên môi giới yêu nghề, cầu thị thật sự mới ý thức được giá trị của sự thành công không hề dễ dàng của nghề này. Họ luôn cố gắng hoàn thiện các kỹ năng chuyên môn và không ngừng học hỏi để phát triển.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều ý thức được điều đó. Đa số cho rằng môi giới BĐS có gì đâu mà học, khối người không cần chứng chỉ hành nghề vẫn làm được cơ mà! Họ tin tưởng, chỉ cần kinh nghiệm “đường phố”, học lỏm qua bạn bè là đủ. Chính những quan niệm sai lầm này mà nghề môi giới BĐS của chúng ta hiện vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các chuyên viên đang hành nghề môi giới tại các nước trong khu vực. Và trong mắt khách hàng vẫn gọi họ là “cò” nhà đất .
Để trở thành một nhà môi giới chuyên nghiệp bạn hãy thật sự khiêm tốn và cầu thị, học hỏi, đầu tư thời gian để cập nhật kiến thức liên tục.
Các trường đào tạo BĐS tại các nước, thường có hai phần đào tạo trong chương trình bắt buộc là: Kỹ năng chuyên môn và Tư duy nghề nghiệp (Specialized Skills and Professional Thinking) cho những nhà môi giới trước khi hành nghề. Tư duy nghề nghiệp là điều mà mỗi nhà môi giới cần phải “thấm nhuần” như một cẩm nang nghề nghiệp trước khi vô nghề .
10 “điều răn” cần biết của một chuyên viên môi giới chuyên nghiệp:
Điều 1: Tư duy tích cực - Keeps positive attitude
Bạn đừng bi quan với những thất bại khi không có giao dịch vì nghề bán hàng, nhất là nghề bán hàng BĐS thật sự khó. Với những tài sản có giá trị lớn như BĐS, khách hàng sẽ chọn lựa rất kỹ và nhiều yêu cầu trước khi quyết định. Thời gian tìm và để mua được căn nhà ưng ý thường kéo dài. Chính vì tính chất của nghề môi giới mặc nhiên phải như vậy, nên chuyên viên môi giới luôn bị áp lực. Những áp lực này đến từ khách hàng, từ “sếp” trực tiếp, từ giám đốc công ty phải có doanh số hàng tháng, từ đồng nghiệp, gia đình với nỗi lo “cơm áo gạo tiền” và hàng nghìn nỗi lo không tên khác...
Rơi vào hoàn cảnh đó bạn đừng buông xuôi hay đầu hàng mà hãy luôn có những suy nghĩ tích cực, bình thản đón nhận để tìm ra những giải pháp nhằm cải thiện tốt hơn.
Điều 2: Hình thức bên ngoài - Certain look about
Phải xác định nghề môi giới là nghề mà bạn luôn phải tiếp xúc và gặp gỡ rất nhiều khách hàng khác nhau trong ngày. Hãy chú trọng đến hình thức để khách hàng có cái nhìn thiện cảm hơn với nghề. Hãy tôn trọng khách hàng qua cách ăn mặc với một tác phong chuẩn mực. Hình thức bên ngoài không chỉ qua cách ăn mặc không thôi mà còn cách cư xử nhã nhặn để gây ấn tượng tốt trong mắt của khách hàng.
Điều 3: Năng lực và thành công - Success with competency
Không ai muốn giao dịch với một nhà môi giới luôn “ca thán” và thiếu năng lực. Hãy chứng minh cho khách hàng thấy rằng bạn là người luôn tràn đầy năng lượng với một tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, sẵn sàng thực hiện công việc theo yêu cầu của khách hàng với chất lượng làm việc hiệu quả nhất. Hãy chứng minh cho khách hàng thấy rằng bạn sẽ là người mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng chứ không phải ai khác và sự lựa chọn của khách hàng là đúng.
Điều 4: Biết thu xếp - Organization
Hãy sử dụng thời gian khôn ngoan qua sự thu xếp công việc hiệu quả mỗi ngày. Có quá nhiều việc để làm cho một sản phẩm trước khi được đưa ra thị trường. Không phải chỉ có một mà có rất nhiều sản phẩm cùng lúc. Hãy luôn đúng giờ và trang bị đầy đủ công cụ hành nghề (Document kit) khi gặp gỡ khách hàng.
Điều 5: Nói chuyện như người chuyên nghiệp - Talk like a professional
Sử dụng phương pháp 5C trong giao tiếp với khách hàng: Rõ ràng, súc tích, chính xác, ngắn gọn và lịch sự (Clear, Conse, Correct, Complete, Courteous). Thể hiện là người môi giới được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Đừng dùng những ngôn ngữ chuyên môn khó hiểu. Vì không phải khách hàng nào cũng biết những thuật ngữ chuyên ngành trong BĐS. Tùy mỗi đối tượng khách hàng để có cách nói chuyện phù hợp. Bảo mật thông tin riêng tư khách hàng là điều bắt buộc của một chuyên viên môi giới chuyên nghiệp.
Điều 6: Trong điều chỉnh - Stay in tune
“Hãy bán cái mà khách hàng cần, đừng bán cái mà bạn đang có”. Trong thuật ngữ kinh doanh chúng ta thường nghe nhắc nhiều đến câu nói nêu trên, thật phù hợp với nghề môi giới. Hãy luôn điều chỉnh, uyển chuyển trong cách làm việc cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong mỗi giai đoạn. Bạn đừng cứng nhắc, đừng bán hàng bằng cảm xúc của mình mà hãy bán bằng cảm xúc của khách hàng. Vì chính khách hàng là người sẽ ở trong ngôi nhà đó trong tương lai.
Điều 7: Tôn trọng đồng nghiệp - Respect your fellow salesperson
Điều tối kỵ trong nghề môi giới là chê bai và nói xấu đồng nghiệp dù khác công ty hay đang là đối thủ cạnh tranh trong cùng một địa phương, cùng khu vực kinh doanh của bạn. Khách hàng sẽ đánh giá bạn và cho rằng bạn thiếu chuyên nghiệp.
Điều 8: Luôn nhớ về gia đình và bạn bè - Remember your family and friends
Nghề môi giới luôn phải sống trong áp lực. Hãy cân bằng được cuộc sống giữa gia đình, bạn bè và công việc. Gia đình và bạn bè là nguồn năng lượng để tiếp thêm sức mạnh, an ủi và hỗ trợ bạn trong hoạt động nghề nghiệp đầy áp lực hằng ngày. Một tinh thần thoải mái sẽ giúp cho chuyên viên môi giới làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn.
Điều 9: Luôn tìm người - See the people
Luôn tạo ra các mối quan hệ mới. Càng có nhiều mối quan hệ mới thì cơ hội thành công trong nghề sẽ rất cao. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu “Nếu bạn không biết mỉm cười đừng kinh doanh” hoàn toàn chính xác trong nghề môi giới.
Điều 10: Hãy luôn là mình - Keep your integrity intact
Đừng để áp lực đồng tiền chi phối cuộc sống. Hãy đến với nghề môi giới BĐS bằng sự đam mê và mong muốn phát triển bản thân tốt hơn. Nghề môi giới BĐS là môi trường cho chúng ta có nhiều cơ hội để học học hỏi và trải nghiệm, chứ không phải đến với nghề môi giới để kiếm tiền bằng mọi giá. Bạn đừng thay đổi dù giàu hay nghèo mà hãy luôn là chính mình.
3 điều cấm kỵ của nghề môi giới
1. Không nâng giá nhà cao hơn giá thực tế (để hưởng tiền chênh lệch) so với giá mà người bán mong muốn vì hậu quả là sẽ không bán được và làm cho giá thị trường bị biến dạng (giá ảo).
2. Nói sai sự thật về chất lượng căn nhà (để bán cho được bằng mọi giá).
3. Không làm điều vi phạm pháp luật trong giao dịch mua bán nhà.
Qua bài viết này với mong muốn lớn nhất của người viết là nghề môi giới sẽ được trả về đúng vị trí của nó trong cái nhìn thiện cảm hơn của xã hội. Muốn được xã hội thừa nhận thì chính những nhà môi giới phải có sự thay đổi trước. Bạn hãy đến với nghề bằng cả tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hôi, với một tinh thần cống hiến và phục vụ. Bạn hãy luôn học hỏi không ngừng để cải thiện được thu nhập và đóng góp cho ngành công nghiệp BĐS Việt Nam ngày càng được phát triển và chuyên nghiệp hơn. Mang lại nhiều giá trị lợi ích hơn cho cộng đồng. ”Hạnh phúc không hẳn là bạn đã nhận được bao nhiêu mà bạn đã cho đi bao nhiêu trong cuộc sống”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét