Bất động sản cùng với chứng khoán khó tạo được đột phá từ nay đến cuối năm. (Nguồn: Internet) |
Nhận định này được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam và các kênh đầu tư 2011” được tổ chức mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Các chuyên gia tại hội thảo cũng nhận định thị trường chứng khoán có thể kỳ vọng một đợt tăng nhẹ nhờ các dấu hiệu hạ nhiệt về CPI và lãi suất, nhưng sẽ khó có cơ hội cho thị trường bất động sản.
Chứng khoán gặp bất lợi
Theo các chuyên gia, việc tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ từ nay đến cuối năm theo tinh thần của Nghị quyết 11, cắt giảm đầu tư công và hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh sẽ giúp CPI giảm dần, nhưng lạm phát năm nay khó có khả năng dưới 18%.
Ngoài ra, cuối năm là thời điểm các ngân hàng phải đưa dư nợ trong lĩnh vực phi sản xuất về dưới 16% tổng dư nợ sẽ làm hạn chế nguồn cầu. Điều này đem lại nhiều bất lợi cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Tiến sỹ Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng nhận định, kinh tế thế giới phục hồi yếu ớt trong khi kinh tế vĩ mô trong nước bộc lộ nhiều yếu tố bất ổn khiến thị trường chứng khoán Việt Nam sáu tháng đầu năm 2011 giao dịch ảm đạm và không được như đầu năm.
Chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát đã khiến dòng tiền tham gia vào thị trường sụt giảm nghiêm trọng
Trong sáu tháng đầu năm 2011, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường có mức giảm điểm mạnh nhất trong khu vực. Tiếp theo trong sáu tháng cuối năm, thị trường chứng khoán sẽ khó có khả năng tạo được sự đột phá tăng trưởng.
Chỉ số Vnindex sẽ tiếp tục dao động trong biên độ hẹp nhưng khó có khả năng giảm điểm sâu. Thị trường sẽ tiếp tục xoay quanh vùng 400-500 điểm trong quý III/2011. Vào đầu quý IV/2011, khi tín hiệu giảm lãi suất cho vay khá rõ rệt cùng với CPI đã ổn định thì có khả năng thị trường đạt được một đợt tăng điểm trong ngắn hạn tiến đến mức 500 điểm. Tuy nhiên do lực cầu chưa thực sự mạnh nên thị trường cuối năm sẽ dao động trong khoảng 420-450 điểm.
Nhiều sức ép lên thị trường bất động sản
Nhận định của nhóm Phân tích đầu tư tài chính - VFA Group cũng cho thấy, thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2011 gặp nhiều khó khăn do Chính phủ thắt chặt tiền tệ, dư nợ trong lĩnh vực này giảm mạnh khiến nhiều dự án không được hỗ trợ nguồn vốn, các doanh nghiệp bất động sản lao đao.
Áp lực lạm phát và lãi vay cũng khiến nhu cầu tiêu thụ bị giảm sút nghiêm trọng. Mặc dù giá nhà cả cho thuê lẫn mua bán có xu hướng giảm nhưng so với giá trị thực vẫn đang còn rất cao.
Tính riêng thị trường Thành phố Hồ Chí Minh năm 2010 có sức cung ứng khoảng 18.000 căn hộ nhưng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 35%. Do đó, số căn hộ còn ứ đọng cộng thêm các dự án mới sẽ khiến thị trường bất động sản còn rất khó khăn trong năm 2011 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, nguồn cung căn hộ cho thuê cũng đang tăng mạnh trong 3 năm sắp tới.
Năm 2011 doanh số bán lẻ và lượng khách du lịch đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Đây cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho thị trường bất động sản trong nước. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều bất lợi gây sức ép lên thị trường bất động sản như nguồn vốn cho vay bất động sản đang bị co hẹp, áp lực giảm dư nợ phi sản xuất trong khi nguồn cung tham gia thị trường rất lớn.
Với các yếu tố trên, tiến sỹ Đinh Thế Hiển dự báo, từ nay đến cuối năm 2011, căn hộ và đất nền, văn phòng cho thuê vẫn còn đang trong giai đoạn khó khăn, giá có thể tục giảm và thanh khoản thấp. Thời điểm tăng thanh khoản của thị trường bất động sản có thể vào quý II/2012 khi thị trường tiền tệ đã được ổn định và lãi suất giảm về mức hợp lý. v Tuy nhiên, tiến sỹ Đinh Thế Hiển cho rằng, Chính phủ vẫn phải kiên trì siết tín dụng trong lĩnh vực bất động sản vì có khá nhiều dự án mua để đó không đi vào khai thác, hay từ cao ốc văn phòng đến căn hộ, đất nền… đều đang thừa, thành ra nguồn cung quá lớn, góp phần chôn vốn dài hạn. Như vậy dòng tiền sẽ chuyển dần vào khu vốn sản xuất kinh doanh
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét