Sài Gòn đang trong thời điểm giao mùa, lúc mưa thì mưa tầm tã mà lúc nắng thì oi ả ngột ngạt. Cũng vì cái khí trời đỏng đảnh đó mà dạo này nhiều người nhiễm bệnh, nhất là cảm cúm. Không ít người vẫn cho cảm cúm là bệnh vặt, và ráng chờ cho nó… tự khỏi; nhưng thực ra nó làm chúng ta rất mệt mỏi và nếu bị nặng thì cũng rất nguy hại cho sức khỏe. Với những nhà có con nhỏ, càng không thể coi thường bệnh này.
Trong bài sau mình sẽ viết kỹ hơn về việc phân biệt triệu chứng cảm cúm ở dạng thông thường và dạng nặng, cũng như việc kết hợp điều trị bằng thuốc đúng cách và hiệu quả.
Hiểu đúng về cảm cúm
Cảm cúm là một loại bệnh truyền nhiễm do virus của đường hô hấp trên gây ra, thường tấn công khá đột ngột. Có khi mới hôm qua còn “khỏe như lực sĩ” mà hôm nay đã yếu xìu như cọng bún thiu vì bị bọn giặc cúm tấn công rồi. Đã bị cúm thì nói chung là rất khó chịu và mệt mỏi, nhẹ thì hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, váng đầu; nặng hơn thì kèm theo đau họng, ho, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, chảy nước mắt, thậm chí sốt. Cảm cúm làm chúng ta giảm năng suất làm việc và ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống. Nếu thấy bệnh nhẹ mà chủ quan không chịu điều trị cho dứt thì nó có thể dẫn đến những biến chứng như viêm phổi hay suy hô hấp. Những đối tượng có sức đề kháng kém, trẻ nhỏ, phụ nữ trong thời kỳ mang thai và nuôi con nhỏ cần đặc biệt lưu ý đến việc điều trị cảm cúm kịp thời để không xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Phòng chống giặc cúm như thế nào?
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là câu nói không bao giờ sai. Chúng ta phòng bệnh không chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình, nói rộng ra là cho cộng đồng nữa. Mình nhớ hồi mới đi làm, các bạn đồng nghiệp Mỹ rất sợ những người bị cúm, hễ ai có triệu chứng cảm cúm là các bạn ấy đề xuất cấp trên cho nghỉ làm ngay. Có lẽ xứ họ lạnh, virus lan truyền nhanh nên họ ám ảnh. Mặc dù không phải lúc nào cũng tránh được, nhưng chúng ta vẫn có thể ngăn ngừa lũ giặc cúm đáng ghét này cho bản thân và gia đình nếu áp dụng những cách sau:
- Đảm bảo nhà cửa thông thoáng và sạch sẽ, tích cực mở cửa sổ phòng ban ngày để không khí trong lành và nắng ấm tràn vào.
- Thường xuyên tập thể dục để rèn luyện thể chất, tăng cường sức đề kháng (tuy nhiên không tập vào thời điểm đã bị nhiễm bệnh).
- Rửa mặt bằng nước lạnh mỗi sáng và rửa chân bằng nước nóng mỗi tối. Khi tắm, luân phiên tắm nước nóng và lạnh để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đây là phương pháp tắm âm dương của người Nhật, cách thực hiện như sau: Tắm dưới vòi sen với nhiệt độ phù hợp, sau đó chuyển sang tắm nóng với độ nóng tầm 50 độ C (có thể điều chỉnh tùy theo sức chịu đựng của cơ thể hoặc thời tiết) trong khoảng 3 phút. Tiếp đó giảm nóng dần và tăng độ lạnh từ từ đến mức lạnh nhất có thể chịu được và tắm trong khoảng 3 phút. Nếu nhà có bồn tắm thì ngâm người trong nước nóng và lạnh luân phiên sẽ hiệu quả hơn. Việc tắm nóng lạnh luân phiên như vậy giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng khả năng miễn nhiễm nhất là đối với các chứng bệnh do thời tiết gây ra. Cách tắm này còn giúp đẹp da, chống lão hóa, thư giãn tinh thần. Có thể thực hiện vào bất cứ mùa nào trong năm. Với bé nhỏ thì mẹ nên cẩn thận hơn trong việc kiểm tra độ nóng lạnh phù hợp với khả năng thích ứng của bé.
- Súc họng bằng nước muối mỗi sáng.
- Giữ cơ thể có nhiệt độ phù hợp với môi trường: khi trời nóng thì phải mặc thoáng mát, khi trời lạnh thì phải mặc ấm.
- Khi thời tiết thay đổi, dùng một ít tinh dầu tràm ở mỗi phòng để kháng khuẩn; có thể massage lòng bàn chân với chút dầu tràm trước khi đi ngủ.
- Có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, thỉnh thoảng uống trà gừng hoặc nước ấm có bỏ lát gừng tươi. Uống nhiều nước và ngủ đủ giấc.
- Ăn trái cây hoặc uống nước trái cây giàu vitamin C như cam, chanh, quýt, bưởi, dưa hấu, kiwi…
- Chích vaccine ngừa cúm.
Nếu lỡ mắc bệnh cảm cúm?
Thực tế là việc phòng chống chỉ giảm thiểu nguy cơ cảm cúm, chứ không đảm bảo rằng chúng ta sẽ không bị giặc cúm tấn công. Ngay cả việc chích ngừa cũng chỉ ngăn một số loại bệnh cúm mà thôi. Điều kiện làm việc và sinh hoạt thường xuyên ngồi phòng máy lạnh, tiếp xúc với đám đông, cơ thể thiếu sức đề kháng, thời tiết khắc nghiệt… khiến chúng ta có thể nhiễm cúm dễ dàng. Một khi đã bị cảm cúm thì nên có thái độ nghiêm túc để điều trị sớm chừng nào tốt chừng ấy, đừng cho là cảm xoàng không cần quan tâm mà bệnh sẽ nặng hơn. Sau đây là một số lưu ý nếu chẳng may bị cảm cúm:
- Xác định rõ các triệu chứng bệnh để hiểu mình đang bị cảm cúm thông thường hay nặng, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp; không nên trị bệnh theo cảm tính.
- Dùng đúng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc theo kiến thức đã trang bị được. Trên thực tế thì cảm cúm là chứng bệnh rất thông thường, nếu hiểu rõ về chứng bệnh của mình thì các bạn có thể tự làm “bác sĩ gia đình” được. Mình thì luôn để sẵn thuốc cảm cúm trong nhà, thường là viên Panadol tổng hợp để khỏi mất công lưu trữ quá nhiều thành phần. Đối với trường hợp bị nặng và đối với trẻ nhỏ, phụ nữ đang mang thai và cho con bú thì tốt nhất nên đi bác sĩ.
- Tránh vận động quá mức, ngưng tập thể dục trong những ngày bệnh, tăng cường nghỉ ngơi, đi ngủ sớm và ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Ăn thêm tỏi, lá tía tô, cháo gà nóng và uống nước trái cây giàu vitamin C mỗi ngày. Kiêng đồ lạnh tuyệt đối.
- Giữ gìn cho những người xung quanh khỏi bị lây nhiễm: thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với người khác, đeo khẩu trang nếu bắt buộc phải đến nơi đông người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét