Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Danh sách nhà đang bán


  • Chúng em là sinh viên 25+, đang sống và học tập tại thủ đô Hà Nội, chúng em tập hợp lại và tổ chức hoạt động ngoại khóa để chỉ cho các nước phương Tây và Nhật Bản, Hàn Quốc, ... thấy rằng sinh viên Việt Nam không phải là các con mọt sách, không thụ động chờ thầy cô hướng dẫn như họ vẫn thường đăng đàn nói thế, chúng em hoạt động trong nhiều lĩnh vực trong đó có bất động sản, BĐS sinh viên 25+, chúng em tận dụng triệt để internet để sàn lọc từ hàng trăm hàng ngàn ngôi nhà khắp thủ đô Hà Nội dưới sự chỉ đạo của một công ty BĐS quân tử, uy tín, hào hiệp nhất thị trường hiện nay, và BĐS sinh viên 25+ đã chọn ra được những ngôi nhà tuyệt vời nhất để giới thiệu đến quí khách hàng, các thượng đế của thương trường hôm nay, sứ mệnh của BĐS sinh viên 25+ là dẫn các thượng đế đến xem nhà và gặp chủ nhà, chấm hết, không đòi hỏi bất cứ đều gì, chúng em không cần tiền - chúng em cần kiến thức.

    1. Nhà Mặt phố Phan ĐÌnh Giót, đoạn nối từ giải phóng đến trường Chinh, mặt đường 9m, vỉa hè gần 3m, mặt tiên 8m nên rất tiện kinh doanh và cho thuê kinh doanh, chủ nhà đang vỡ bán rẻ 5 tỷ, mua đầu tư bán lại kiếm lời hay cất tiên và cho thuê đều lợi nhuận cao, giá cả khách mua tự đàm phán với chủ nhà.

    2. Nhà mặt phố Doãn Kế Thiện của văn nghệ sĩ về hưu, thiết kế tinh tế đẹp từng centimet, 90m2 5 tầng mặt tiền rộng đến 6m,giá cần đẩy đi nhanh rất nhanh 13 tỷ, giá cả khách mua tự đàm phán với chủ nhà

    3. Nhà 5 tầng, vào trong là không thể chê bất cứ đều gì, 47m2 5 tầng, chia lô đông đúc phố Trần Cung, gần bệnh viện E quốc gia, ở và kinh doanh, làm văn phòng dều tuyệt vời, giá từ 8.2 tỷ giảm gấp xuống 5 tỷ, giá cả khách mua tự đàm phán với chủ nhà

    4. Chung cư của cán bộ lắp máy điện nước thủ đô Hà Nội, 198 Nguyễn Tuân, xây rất chắc chắn, bền vững, Trung Hòa Nhân Chính, cạnh chung cư cao cấp Mandarin Hòa Phát, tầng 11, 88m2 2 phòng ngủ 2 toilet, đã có sổ đỏ, giá rẻ bất ngờ chỉ có 2.3 tỷ, giá cả khách mua tự đàm phán với chủ nhà

    5. Bán nhà chia lô của bác sĩ chuyên chữa trị cho các bác lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước, cạnh khu chia lô của giảng viên đại học quốc gia Hà Nội, Bộ công an, văn phòng chính phủ, ... nhà xây 4 tầng 60m2 trên 80m2 đất,phố Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy sau đại học quốc gia Hà Nội, có sân trước và sân sau, xây để ở nên tường phẳng không một vết sần sùi dù là bé nhỏ nhất, giá 8 tỷ, giá cả khách mua tự đàm phán với chủ nhà.

    6. Bán nhà phân lô tập thể vật giá chỉnh phủ, an ninh anh toàn tuyệt đối, dân trí cao và rất cao, 47m2 5 tầng, oto ra vào thỏai mái,phố Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, giá khoảng 7 tỷ, giá cả khách mua tự đàm phán với chủ nhà

    Liên hệ: sinh viên 25+. 012.2626.2525

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Câu chuyện trong vườn

Dạo này, chiều tối hay đổ những trận mưa to, nên sáng ra trời mát lạnh, tinh khiết và trong vắt. Những mầm cây vươn mình đón nắng sớm, lá non xanh mướt. Hoa cũng đã nở nhiều hơn.


Cứ khoảng 2 tuần, hoa hồng lại nở, mỗi đợt chừng năm bảy bông. Cứ mỗi chiều Anh Thi lại chăm khóm hồng bằng nước vo gạo. Hoa tàn cắt ngọn, cây lại ra ngọn mới, lá non đỏ thắm.


Black eyed susan ngày nào cũng nở tưng bừng như thế này:



Vui làm sao, những bông hoa đầu tiên giờ đã đậu quả. Hoa vẫn nở, quả cứ lớn và khô dần, lá vẫn xanh vấn vít.


Không thể lãng quên màu trắng tinh khiết của bạch hoa mỗi buổi chiều và sớm mai:


Những ngày này, ong bắt đầu dập dìu qua lại, và những con chim sẻ xếp thành hàng trên lan can. Kitty thích lắm. Độ 8 giờ thì hoa sam nở, đón những con ong nhí lăng xăng hút mật.



Kiwi đã trồng thêm lứa mới, bắt đầu leo. Mâm xôi thì xanh mướt lắm rồi.


Rau và gia vị - có thứ đã dùng được, có thứ bắt đầu lớn, cũng có thứ đang ươm mầm.


Ban công nhà ngập nắng nhưng rất mát. Sáng sớm mở mắt là lại thích ra thăm những mầm cây, còn chiều tối khi trăng vừa lên, gió xào xạc thổi, ngồi hóng mát chơi đùa bên những khóm cây, thấy lòng nhẹ nhàng lắm.

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Mắt nhung hoa vàng

Vậy là black eyed susan đã nở sau khoảng 2 tháng gieo hạt. Mua hạt vàng, trắng, nhiều màu... mà sau khi bị càn quét thì mình chỉ còn mỗi hạt vàng để gieo, hihi.

Ở Việt Nam, em được gọi với cái tên dễ thương là "mắt nhung", hoặc kiêu kỳ hơn là "ánh dương". Nhụy đen như "đôi mắt huyền diễm lệ", lá mềm xanh mướt, cành buông rủ, quấn quít, hoa nở mỗi ngày.


Em mắt nhung này cũng thuộc loại đẹp người đẹp nết, tuy nhiên tính hơi mít ướt chút. Nghĩa là gieo hạt dễ, lớn nhanh, ra hoa nhanh, nhưng hàng ngày phải cho ẻm uống nước đều nha. Sáng nào quên tưới là ẻm giận, tới chiều cành lá thõng thượt, héo queo, nhìn như đám... giẻ rách, hihi. Nhưng kịp thời cho ẻm uống nước là tối ẻm lại tươi rói liền.


Mắt nhung trồng trong giỏ treo hoặc cho leo giàn nhìn cũng tha thướt mà mát mắt lắm. Hoa xinh, nụ xinh và lá cũng xinh - yêu ghê.

---------------------------------------------

Tên khoa học: Thunbergia alata
Tên phổ thông: Mắt nhung, ánh dương
Tên tiếng Anh: Black eyed susan
Họ: Acanthaceae

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Hoang sơ vườn mới

Nhiều bạn nhắc: "chuyển sang chỗ mới rồi, khoe vườn đi chứ!" Hehe, làm khó nhau ghê, ban công, sân thượng đều trống trơn, hạt mới gieo, cây chưa lớn, biết lấy gì khoe bây giờ? Huống chi cái vụ "trồng cây gì, nuôi con gì" cũng còn chưa lên plan nữa nè.

Nhưng sáng nay thấy cái mầm đậu ván tím lớn lên từng ngày, yêu quá nên phải chụp lại post lên đây.


Cây cà chua treo trong hộp bánh:


Nói thêm về cái giỏ cà chua tự chế này: một ngày đẹp trời nọ, chồng tung tăng đi đổ rác và phát hiện bên cạnh thùng rác là một cái hộp bánh rỗng ai vứt chỏng chơ, chồng bèn nhặt đem về nhà. Con gái thấy vậy cười ầm lên: "Trời ơi, có ai như ba không, người ta đi vứt rác, còn mình lại tha rác về nhà". Chồng thủng thẳng đáp: "Ba làm quà tặng mẹ con đấy!" Con gái được dịp cười một mẻ nữa: "Chồng gì mà đem rác về tặng vợ!" hehehe =)) Ông xã cặm cụi ngồi khoan 3 lỗ cánh chuồn ở dưới, lại khoan thêm 4 lỗ nhỏ ở trên để móc dây vào, lau rửa hộp sạch sẽ, rồi nhặt đại một cây cà chua vợ trồng mới lên có gang tay nhét vào, đổ đất tưới nước treo lên. Món quà từ thùng rác của chồng hóa ra trông cũng thi vị phết, chồng bảo: "người ta phải lựa đúng cái hộp có màu nâu đất và in chữ garden hẳn hoi đấy nhé, giá trị hơn cái giỏ treo của Mỹ là cái chắc". :D

Cây cà chua trồng trong giỏ treo lớn nhanh như thổi, chỉ 1 tháng đã ra hoa chi chít. Còn cái vách rào sắt sơn trắng kia, hiện tại mình đang có khoảng 6 vách rào như thế, bề ngang khoảng 3-4m, đang liệt kê các loại dây leo để trồng: hoa thì có morning glory, susan mắt đen, tóc tiên dây..., rau thì có mồng thơi, thiên lý, dưa leo, khổ qua, đậu bắp, mướp hương, bầu bí... Ai có thêm cây leo nào hay thì bổ sung vào danh sách để mình ngâm kiú trồng nhé. Mình đang gieo mầm đậu ván tím vì cây này vừa cho quả ăn vừa có hoa rất đẹp. Ngoài các vách đứng, trên đầu còn có cái giàn to thế này:


Mấy hôm trước, hoa hồng đồng loạt nở, thật là yêu:


Vườn đang trồng loe ngoe mấy loại rau thơm, đang chuẩn bị gieo hạt thêm ớt và các loại rau gia vị. Còn đây là em mướp non mới độ gang tay:


Bên hông nhà mình là một hàng cây xanh mát, gió xào xạc suốt ngày nên mở cửa sổ ra rất mát. Trước cửa phòng con gái là dãy cây osaka, bây giờ đang hết mùa nên chưa có hoa:


Nhưng đến độ tháng 2, 3... hoa vàng rực rỡ từng chùm trước cửa sổ kiểu như thế này hẳn là đẹp lắm - mà con gái lại rất thích muồng hoàng yến - osaka:


Chắc khoảng vài tháng nữa cây mới đủ lớn để khoe quá. :)

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Nhật ký tuổi thơ (phần 2)

1. Khu phố nhỏ bình yên

Rất nhiều bạn ngỡ tôi là người Huế. Thực ra không phải, đó không là nơi tôi sinh ra hay là quê hương của ba mẹ tôi, chỉ là nơi tôi đã trải qua một thời thơ ấu. Tôi là người tứ xứ, nguyên quán một nơi, sinh ra một nơi, lớn lên một nơi, lập nghiệp một nơi. Chắc vì thế mà tính cách cũng thuộc loại tả pí lù, ương ương dở dở: dịu dàng đảm đang như con gái Huế thì chưa tới, sắc sảo khôn ngoan như con gái Bắc cũng chả xong, ngọt ngào đằm thắm như con gái Nam cũng chả có nốt, hehe.

Ba tôi vốn sinh trưởng trong một gia đình khá giả ở vùng đất võ Tây Sơn - Bình Định. Hồi đó, ba là cháu đích tôn, rất sướng, chỉ có chơi và học, đêm ngủ còn có người làm thay phiên nhau quạt, cuộc sống sung túc đủ đầy. Bi kịch gia đình ập đến khi ông nội tôi bị tai nạn qua đời, khi đó ba tôi mới 11 tuổi. Bà nội tôi là một phụ nữ rất đẹp, nhưng đau ốm liên miên, lại sống dựa vào chồng như hầu hết phụ nữ đã thành gia thất hồi đó. Gia sản lần lượt được bán đi để lo cho kinh tế gia đình, lo chạy chữa thuốc thang, nhưng chỉ 2 năm sau đó bà nội tôi cũng vì bệnh nặng và quá đau buồn mà theo bước ông tôi, để lại 3 đứa con thơ - lớn nhất là ba tôi mới có 13 tuổi.

Mồ côi cha mẹ, ba anh em chia nhau đến sống ở nhà các cô chú, vừa đi học vừa đi làm, khó khăn tả sao cho xiết. Năm 1954, ba tôi nằm trong đoàn học sinh miền Nam ra Bắc học tiếp cấp 3, rồi lên đại học. Đời bước sang trang mới. Ba tôi tốt nghiệp, đi làm, rồi quen với mẹ tôi trong một lần đến chơi nhà người bạn cùng học đại học. Rồi cưới nhau, sinh con, mãi đến năm tôi gần 2 tuổi (chị đầu tôi khi ấy đã 13 tuổi) cả gia đình mới vào Huế định cư, ba mẹ là giảng viên ĐHSP.

Căn nhà chúng tôi ở là một phần trong khu biệt thự cũ của cố giáo sư Nguyễn Thúc Hào, khi đó là khu tập thể của các giảng viên, cán bộ trường đại học với 6 nhà tất cả. Nhà chúng tôi chỉ khoảng hơn 50m2, bù lại có mảnh sân và khu vườn khá rộng. Vườn đầy rau và hoa trái, thơm ngát cả tuổi thơ.

Đối diện nhà tôi là một quán bún bò - ngày xưa là tiệm bún nổi tiếng của Huế, nhưng bây giờ cả nhà đó dẹp tiệm đi Mỹ hết rồi. Nói thực là ở Huế tôi chưa thấy quán bún nào ngon bằng quán này, những ai từng ở Huế thập niên 80 chắc đều nghe danh "Bún bò Nguyễn Thái Học" hay "bún bò bà Lan". Bà chị tôi thường cải biên bài "Chiều trên bến cảng" mà nghêu ngao thế này: "Một chiều mùa hè, Nga ngồi trước cửa. Hai tay hai tô to, mắt nhìn sang bún bò. Ôi bún bò thân yêu, nước lèo sao ngon vậy..." Hehehe. Ngoài bún bò là món chủ lực thì quán có vài món Huế nữa, và để hương vị thơm ngon thì cần có khế chua. Giờ quảng cáo nè, nhà tôi có 2 cây khế một chua một ngọt thuộc loại đẹp người đẹp nết, quả sai trĩu trịt, vị lại ngon. Quán bún bò kia đi khắp các chợ cũng không có khế ngon bằng nhà tôi nên họ quyết định mua đây là tiện nhất. Nhưng mẹ tôi ngại bán cho hàng xóm, của cũng chẳng đáng gì nên chỉ lấy một khoản nhỏ cho họ đỡ ngại.

Hồi đó chị gái đầu của tôi được sang Nga học, à lúc ấy gọi là Liên Xô. Ba tôi cũng hay đi công tác ở LX, lại sống trong cái thời bao cấp được LX viện trợ nên không nói gì đồ đạc trong nhà, cả đồ chơi và đồ dùng học tập của tôi cũng sặc mùi nước Nga. Tôi có rất nhiều cuốn tập bìa vàng kẻ ô chị gái đem từ Nga về, dùng rất thích, mỗi tội cứ 1 trang lề phải một trang lề trái nên toàn phải kẻ lề lại. Hộp bút dạ 6 màu là món đồ thủ công xa xỉ mà bọn bạn học đều thèm muốn, cả màu chì, màu nước cũng là hàng Nga, rất đẹp. Cái thời khó khăn ấy, được như vậy là thấy cũng thỏa mãn lắm rồi, không như bây giờ con tôi ra hiệu sách là có ti tỉ thứ. Sách vở được bao bằng họa báo nhiều màu (hồi đó ba tôi được trường phát họa báo "Liên Xô" và "Phụ Nữ Liên Xô" - giấy đẹp và tranh ảnh cũng đẹp, bao tập khỏi khê). 

Nhà tôi có một khu vườn rộng, và chị em tôi dùng một khoảng sân trước cũng như lối đi từ cổng vào để trồng hoa. Nói là chị em, nhưng thực chất chỉ có chị gái thứ 2 và tôi là thích trồng thôi. Có những loài hoa bây giờ tôi yêu vì nó đã từng gắn liền với một tuổi thơ đẹp đẽ: hoa tóc tiên dây, huệ mưa, cosmos, đồng tiền, thạch thảo...

Khu nhà tôi ở nằm bên đường lớn, chạy dọc hai bên đường là hàng cây cổ thụ xanh mướt nõn nà. Đó là cây muối. Cây muối thân to, bóng tỏa rộng, mỗi độ xuân về là cả một màu xanh non óng ả đâm chồi lộc biếc. Quả muối nhỏ li ti trổ thành từng chùm, bọn con trai hay dùng làm "đạn" để bắn từ cái súng bóp tự chế.

Những chùm muối xanh non - Ảnh: sưu tầm

Những cây muối cổ thụ bao năm đứng cùng mưa nắng đã từng chứng kiến thật nhiều trò vui của trẻ nhỏ. Dưới tán lá xanh um mát rượi, chúng tôi chơi đánh banh thẻ, đá kiện, nhảy dây, nhảy ngựa..., bọn con trai trốn người lớn leo trèo hái quả muối vừa để chơi súng vừa nhâm nhi vị chua chua ngọt ngọt. Sau này (khi tôi đã định cư ở TP. HCM), con đường chạy qua khu nhà tôi ở được đầu tư mở rộng thành đường lớn, các khách sạn mọc lên như nấm, những cây muối lừng lững bị đốn sạch, con đường xanh mát bình yên năm nào thành một con phố rộng đầy nắng. Tôi cảm thấy tiếc hai hàng cây giúp cho con đường "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu". Những người chịu trách nhiệm quy hoạch thành phố, họ nghĩ gì mà phũ phàng đốn chặt hết những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như thế?

2. Những trò chơi của tuổi ấu thơ

Ngày ấy, 6 nhà trong khu tập thể cùng ra vào bằng một cổng chung. Từ cổng bước vào là một khoảng sân lớn mà bọn trẻ con hay tụ tập chơi bời. Nhà nào cũng có vườn rộng, thế nên không gian chơi ngoài trời không hề thiếu. Buổi trưa, cả bọn trốn ngủ chạy rần rật khắp xóm, la hét ầm ĩ, người lớn không ai ngủ được. Tuy vậy, cũng không mấy ai ý kiến ý cò vì tình hình là nhà nào cũng có một vài "giặc nhí" tham gia, chỉ có nhà bác T., con cái đều lớn cả, là tỏ ra rất bực bội vì lũ trẻ con nghịch ngợm ồn ào này, bác qua các nhà mắng vốn hoài.

Cho đến bây giờ tôi vẫn kể cho con nghe những trò chơi thuở nhỏ, và cùng con chơi một số trò. Nhưng tôi biết, không thể dựng lại cho con cả một tuổi thơ hồn nhiên và đơn giản, cùng bè bạn chơi hết mình đến toạc cả áo và người lấm lem. Mỗi thời mỗi khác mà.

Chơi banh thẻ (các nơi khác gọi là đánh chuyền) là trò chơi được bọn con gái rất thích. Mười cây thẻ được rải ra và trái banh tung lên tung xuống, bàn tay nhón lấy thẻ và bắt bóng thật nhanh nhẹn. Gần nhà tôi có một khóm khúc vàng óng, chúng tôi bẻ những cành trúc thon dài, chặt ra từng đoạn làm thẻ. Đến mùa nắng người ta phơi đót làm chổi, chúng tôi lại lê la qua mấy con đường bên cạnh nhặt đót về làm thẻ. Banh để chơi thẻ lý tưởng nhất là banh tennis. Vì banh tennis hồi đó còn hiếm nên quả nào cũng được chơi đến khi bợt bạt cả ra.

Năm mười banh: Đây là trò chơi của những trưa trốn ngủ và những tối mùa hè lộng gió. Năm mười chính là trốn tìm, nhưng năm mười banh thì còn gắn thêm trái banh nữa, vì thế náo nhiệt hơn. Trái banh được sút xa lắc xa lơ, đứa nào "bị" phải nhặt banh đặt lại vòng tròn và đi tìm những đứa đang trốn. Loanh quanh tìm chưa ra mà đứa nào gần đó chạy ra sút bóng là tiêu, phải đi lượm lại. Mười mấy đứa cùng chơi thì thể nào trong đó cũng có những cặp anh em, chị em ruột để còn bênh nhau, đứa nào đơn thương độc mã thì thảm cảnh bị hoài bị mãi là rất dễ xảy ra.

Dọa ma: Những tối cúp điện, cả bọn túm tụm nhau lại để kể chuyện ma. Thôi thì ma xó, ma le, ma da, ma trơi... đủ cả. Nghe sợ đến dựng tóc gáy nhưng vẫn thèm nghe. Hết kể chuyện ma lại đến trò dọa ma. Có lần anh tôi cùng 2 thằng hàng xóm nữa, nhân một đêm cúp điện, ngậm cây nhang đang cháy trong miệng để dọa ma 2 đứa con gái con bác xích lô gần nhà. Đêm ấy trời không trăng không sao, lại không có điện, 3 thằng giặc quỷ đốt nhang, cắn que nhang giữa 2 hàm răng, đầu nhang cháy nằm trong miệng nhưng không chạm vào họng hay vòm miệng, rồi nhe răng ra. Đốm than hồng chiếu vào 2 hàm răng trắng thành một mảng hồng nổi bần bật giữ đêm đen. Cả 3 thằng trèo lên cây muối, núp mình trong những tán lá xanh. Hai đứa kia đi xem phim về, trời tối đen, gió vi vu xào xạc, đường vắng, cũng sợ nên cắm mặt đi mải miết, đến gần cây muối thì nghe có tiếng cười ghê rợn vang lên. Hai đứa nhìn lên cây theo phản xạ, thấy những đốm hồng chao qua chao lại giữa tiếng cười khàn khàn ma quái, thế là vừa chạy vừa hét ầm ĩ làm cả phố phải đổ ra đường. :D

Tháng 9 vào năm học mới cũng bắt đầu sang mùa lũ. Những cơn mưa dai dẳng từ đầu nguồn làm nước sông dâng cao, tràn vào các khu phố trũng. Lũ đến thì chỉ người lớn khổ, còn bọn trẻ con lại xôn xao đi lội nước, bắt cá, thả thuyền... Tuổi mẫu giáo thì làm thuyền giấy, lớn hơn, chúng tôi cắt bẹ chuối, gọt những thanh tre nhỏ, thế là dựng nên chiếc thuyền buồm thả lênh đênh theo dòng nước lũ. Cá rô tràn từ sông vào, bọn trẻ con vừa đi lội nước vừa bắt, hầu như chả bắt được, chỉ có người ướt sũng và bẩn như ma.

Những mùa bão lũ đi suốt tuổi thơ của tôi những năm ở Huế, thích nhất là những hôm nước dâng cao, được nghỉ học ở nhà để quậy. Nhưng tôi cũng ghét cái khí trời khắc nghiệt, mưa lạnh triền miên làm cái mũi tôi cứ sụt sịt hoài, người không lớn nổi. Mãi khi vào trong này, được hưởng khí hậu phương Nam ấm áp, tôi mới khỏe ra. Tuy vậy, tôi vẫn thấy nhớ những ngày mưa đổ xối xả trên mái trút xuống từng dòng, bọn trẻ con chúng tôi kéo ra sân tắm mưa, áo quần sũng nước dán chặt vào người, mắt đứa nào cũng ngời sáng. Tắm mưa thật là thú vị biết nhường nào.

Lũ chỉ xảy ra độ vào thu nhưng mưa Huế thì vẫn tầm tã cho đến tận cuối xuân. Tháng 4 ve bắt đầu kêu, ngồi trong lớp học đã thấy xốn xang không khí vào hè dù vẫn chưa thi học kỳ. Nhiều đứa bẫy được ve mang đến lớp, đựng ve trong hộp diêm, có khi "tai nạn" xảy ra làm ve kêu ré lên giữa giờ học. Chúng tôi rất thích bẫy ve. Trường ĐHSP cách nhà không xa có một khu vườn phía sau trồng đầy nhãn, đó cũng là nơi ve hội tụ. Ve nhiều vô kể, lột xác rơi lả tả quanh gốc nhãn. Những cành cây nhỏ được chúng tôi quệt nhựa mít rồi gác lên các cây nhãn, ve sa vào cứ gọi là chi chít.

Mùa hè, bọn trẻ con rất thích ra sông. Từ khu nhà tôi ra sông Hương chỉ mất 5 phút đi bộ. Sông Hương chảy giữa lòng thành phố, chia Huế ra 2 bờ Nam Bắc, trải dài, trong vắt, xanh biếc mây trời. Có lẽ có một chút thiên vị từ những kỷ niệm tuổi thơ nên khi tôi nghĩ đến những dòng sông Việt, trong thâm tâm tôi vẫn cho rằng không có con sông nào đẹp cả về địa thế, dáng hình lẫn màu nước xanh trong như sông Hương. Bờ sông trước trường ĐHSP là một bãi cỏ xanh mướt nhiều cây (bây giờ là công viên). Ở đây chúng tôi đào dế đem về chọi, hoặc thơ thẩn kiếm cỏ gà tết lại đá nhau. Đứa trẻ nào cũng bị cấm bơi sông, nhưng câu cá thì thoải mái. Câu cá phải nói là rất khó, hay vì mùa hè nước biển Thuận An tràn vào cá được ăn nhiều i ốt nên khôn quá, hehe, nên hiếm khi câu được con nào. Xúc cá xem ra còn dễ hơn. Những con cá bé xíu nhiều màu bơi từng vạt gần bờ, bọn trẻ đem vợt ra vợt, mỗi lần cũng trúng mấy con.

Dòng sông kỷ niệm

Nhắc đến tuổi ấu thơ không thể quên trò thả diều. Nhà tôi chỉ cách sân vận động mấy bước chân, nên những ngày nắng và lộng gió, cả bọn lại kéo qua đó thả diều, không gian cực kỳ lý tưởng. Anh tôi làm những con diều giấy từ báo cũ và cuộn giây cước. Sân vận động thênh thang đầy gió, diều bay cao trên nền trời xanh biếc, từ nhà tôi nhìn qua cũng thấy. Lãng mạn hơn thì ra bờ sông thả. Bây giờ, con tôi cũng thả diều bởi nhà tôi bên sông đầy gió, nhưng con diều xanh đỏ được bày bán ngoài hàng không làm tôi thấy xúc động nhiều như những cánh diều giấy đơn sơ của anh em tôi ngày ấy.

Bắn bi, ô quan, nhảy dây, lò cò, ma rà, truy bắt kẻ trộm... là những trò quen thuộc quá, không kể nữa. Bọn tôi còn chơi tạt lon. Thời ấy mà uống sữa thì chủ yếu chỉ có sữa Ông Thọ. Sữa uống xong thì lon được đem ra chơi cùng dép nhựa. Trò này đòi hỏi phải nhanh tay nhanh chân nhanh mắt, chơi xong thì mồ hôi mồ kê nhễ nhại, cả bọn ùa vào một nhà nào đó chia nhau nước đá ăn. Phải nói là ăn chứ không phải uống nha, vì đá nhai rau ráu. Đến mía cũng gặm rau ráu, dùng răng tước luôn cả vỏ mía chứ ngồi đó mà chờ chẻ mía ra là xa xỉ. Cái lon sữa bò ngày ấy thật là đa ứng dụng. Lon nằm trong thùng gạo của mẹ để đong gạo, lon được dán giấy hoa trang trí thành những ống đựng mực theo chân trẻ thơ đến trường, lon được dùng để chơi tạt lon, làm lồng đèn, để tự chế điện thoại với dây thép và hai đứa đứng ở hai đầu áp tai vào lon... Bọn trẻ con rất thích ăn sữa đặc. Hồi đó, một đứa bạn tôi có ba là phi công nên hay có sữa Ông Thọ mang về, nên ai hỏi nó sau thích làm nghề gì thì nó bảo chỉ thích làm phi công để uống sữa Ông Thọ. :D

Chơi đồ hàng ngày xưa công phu hơn bây giờ, bởi đâu có sẵn nhiều đồ mà chơi, đa phần là tự chế. Anh tôi dẫn tôi đi đào đất sét - thứ đất sét thiên nhiên chỉ có mỗi màu vàng nâu. Về nhà anh tôi nặn tượng, đắp thành lũy, tôi cũng nặn các con vật và cả đồ chơi. Chén dĩa nồi chảo tí hon nặn bằng đất sét rồi phơi khô cứng như nhựa, trộn lẫn với vài món đồ hàng đích thực còn giữ được, và thực phẩm chính là lá, là hoa hái trong vườn đem ra thái nhỏ làm bún, làm chả. Chị tôi còn lấy bèo Nhật xẻ ra nhét nhân vào làm bánh mì.

Vận động tay chân cũng có mà vận động trí óc cũng có nha. Rảnh rỗi là chúng tôi rủ nhau chơi cờ vua hoặc chơi bài. Cờ vua thì nhà đứa nào cũng có một bộ vì nó là đồ chơi trí tuệ được các phụ huynh nhiệt liệt hưởng ứng, còn bài thì chơi đến nát bét ra còn tự chế, chứ tiền đâu mua hoài. Giấy bìa được đem ra cắt từng mảnh chữ nhật rồi vẽ các quân bài lên, công phu phết. Hồi đó chơi bài còn kiếm cái nồi đầy nhọ đen để bên cạnh, đứa nào thua thì bị quẹt. Hôm nào thua liểng xiểng thì mặt bẩn như ma.

Đá bóng là trò chơi của con trai, nhưng hôm nào quân số không đủ thì con gái cũng được huy động. Vả lại hồi đó con gái cũng cắt tóc ngắn, mặc quần ngắn chạy chơi cho dễ chứ đứa nào váy áo thướt tha dễ bị gọi là tiểu thư lắm, thành ra trai gái đều chạy nhảy ầm ầm hết. Nhà nào cũng có vườn, có cây ăn trái: nhà thì ổi, vú sữa, mận, nhà thì mãng cầu, dừa, xoài... Chỉ có dừa là không trèo hái được, còn lại cây nào cũng trèo tuốt luốt. Cầm nguyên trái hái từ trên cây xuống mà gặm nó ngon hơn ngồi phòng khách cầm dao cắt từng miếng gọn gàng hay sao ấy.

Cây dừa không ai hái được ấy trồng ở một góc sân trước của nhà tôi. Đó là cây dừa lửa, quả vàng sậm, nước ngọt mát. Bác xích lô gần nhà là người duy nhất có thể trèo hái dừa, nên thỉnh thoảng, chờ dừa chín một loạt, bác lại trèo hái cho tất cả các nhà, mỗi nhà mấy quả quăng dưới gầm giường. Dừa non thì để uống, dừa già được kho với thịt, thơm thơm là. Hoa dừa nhỏ li ti rụng xuống đầy sân nhà tôi, thuở nhỏ tôi vẫn kết vòng từ những bông hoa dừa ấy.

Còn nhiều, rất nhiều những trò chơi tuổi thơ khác nữa, không thể kể hết ra đây. Cả những câu đồng dao thuở nhỏ, và những người bạn hàng xóm thân thương bây giờ đã mỗi người mỗi ngả. Tôi không nuối tiếc một điều gì cả, nhưng khi nghĩ lại ngày xưa, lòng vẫn rung lên một nỗi xao xuyến nhẹ nhàng.

Bóng bay ai thả lên trời?
Tôi đan kỷ niệm một thời ấu thơ...

(còn tiếp)

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Nhật ký tuổi thơ (phần 1)

Dạo này con gái hay bảo mẹ kể chuyện hồi nhỏ cho con nghe. Tôi nhớ những ngày thơ bé, tôi cũng thường đòi mẹ kể những câu chuyện khi mẹ còn là một đứa trẻ. Những câu chuyện ấy - bình thường, giản dị, hơi khác lạ so với những gì đang diễn ra, không chỉ là hoài niệm và còn là kiến thức về cả một thế hệ - bao giờ cũng có sức lôi cuốn mạnh mẽ.

Tôi viết lại những hồi tưởng về thời thơ ấu, vừa để mình quay trở lại một khoảng thời gian đẹp đẽ, lưu giữ kỷ niệm, vừa để các con tôi sau này đọc lại sẽ biết mẹ của mình đã từng lớn lên như thế nào.

***************
Chuyện mẫu giáo

Cả nhà tôi chuyển vào Huế năm tôi gần 2 tuổi, khi đó chị lớn của tôi 13 tuổi. Ba mẹ tôi là giảng viên ĐHSP nên tôi được gửi ở nhà trẻ trong trường. Gọi là nhà trẻ cho oai, chứ thực ra đó chỉ là vài lớp giữ trẻ dành cho con em các giảng viên, cán bộ. Trông nom bọn trẻ trong lớp học của tôi là một bác bảo mẫu già (tôi còn nhớ là bác Ngữ) cùng 2 cô giáo trẻ. Đồ chơi không nhiều, nhưng bù lại, do ba mẹ làm trong trường nên rất hay ghé vào thăm chúng tôi những giờ rảnh rỗi hoặc trống tiết. Phòng học của chúng tôi, phía trước là cửa lớn và cửa sổ nhìn ra sân trường rộng có nhiều người đi lại, phía sau cũng là cửa sổ nhìn ra vườn. Tôi thích đến chơi bên cái cửa sổ này - ngoài ấy là một khoảng trời rất xanh, và những vòm lá mát rượi, trong vắt tiếng chim. Khi chớm vào hè còn có tiếng ve kêu ran, cô giáo nhặt hoa phượng vào cho chúng tôi chơi đủ trò. Sát bên cửa sổ là một cây trứng cá rất sum suê. Mùi hương trứng cá thơm phức, ngọt ngào cứ đeo bám tuổi thơ tôi mãi.

Tôi học 2 năm ở cái lớp giữ trẻ của trường ấy một cách êm đềm và bình lặng, cho đến một ngày mẹ đón tôi về và bảo rằng từ tuần sau con sẽ đi học ở trường mới. Học trường mới - ô la la, thật là một điều gì đó mới mẻ và hấp dẫn. Tôi đòi mẹ chở đi qua trường mới xem như thế nào. Trường rất rộng, sân chơi cũng rộng và có hẳn một cái hồ cá ở giữa (nhưng không thấy con cá nào), lớp học đều đặn và khang trang. Tôi quả quyết với mẹ là tôi rất thích trường mới này.

Sau này tôi mới biết, dù đó là năm 1980, việc tôi được vào học trường Mầm non Thành phố không dễ tí nào. Trước đó ba tôi đã năm lần bảy lượt xin cho anh tôi vào trường này mà không được nên phải học ở một trường nhỏ hơn gần nhà. Nhân một đợt đi họp các cán bộ quản lý ngành giáo dục, gặp cô K. hiệu trưởng trường Mầm non TP, ba nói chuyện: "Trường chị sao khó xin vào quá, tôi nộp đơn cho con trai mấy lần đều không được", cô K. bảo: "Sao anh không gặp tôi, tôi nói một tiếng là xong ngay". Ba tôi tiếp lời: "Thế thì tôi còn một con gái nữa". Hehe, thế là nhờ câu nói xã giao của cô hiệu trưởng mà tôi được học trường "xịn".

Những ngày đầu tiên học trường mới không thực sự hấp dẫn như tôi tưởng tượng. Đồ chơi khá nhiều, nhưng không phải lúc nào cũng được chơi. Ở đây tôi cũng có 1 cô bảo mẫu cùng 2 cô giáo, nhưng việc học hành rất quy củ. Giờ nào học, giờ nào chơi được phân chia rõ ràng. Lớp có 3 tổ là tổ gà con, chim non và bồ câu. Trên tường có một cái radio, giờ ăn giờ chơi thì bật nhạc. Có khách vào thì lũ trẻ con đồng thanh "chúng cháu chào cô ạ". Đã thế, chờ mỏi cổ đến tận 4-5 giờ chiều mới có mẹ cha tới đón. Đâm ra tôi thấy nhớ cái lớp học lộn xộn ở trường ba mẹ. Ở đó, buổi sáng bác Ngữ thay nước lọc vào bình cho chúng tôi uống, tôi hỏi: "bác ơi, nước lấy ở đâu thế?" "Trong căn tin cháu ạ." Cháu đi vào căn tin cùng được không?" "Được." Trong căn tin rất là vui nhộn, có thầy cô, sinh viên đủ cả. Giữa buổi thể nào sau 2 tiết dạy, mẹ tôi cũng ghé thăm, dắt tôi ra vườn sau hái cho mấy quả trứng cá, hoặc cô giáo làm cho cái chong chóng. Đứa nào thích làm gì thì làm, có khi đứa này ngủ đứa kia tô màu, tự do thoải mái.

Cô giáo thấy tôi buồn vì lạ lớp, đến giờ chơi dắt tôi ra hồ câu cá. À thì ra cái hồ tròn trước sân mà không có cá ấy là để câu cá đồ chơi - những con cá xốp nổi lềnh bềnh trên nước cho bọn trẻ con dùng cần câu móc lên. Tôi rất say sưa với trò này, chỉ tiếc là chơi không được lâu thì lại phải vào học. Chiều ba hoặc mẹ tôi tới đón, thường cho tôi ăn kem đậu xanh trước cổng trường. Cũng có khi ba mẹ bận thì chị tôi đón nhưng tôi không thích chị đón lắm vì không được ăn kem. Ôi, cây kem đậu xanh ngọt mát, dù nếu so với kem bây giờ nó chả là cái đinh gì nhưng hương vị tuổi thơ thì vẫn ngọt ngào quá đỗi.

Hai cô giáo lớp tôi thì một cô rất hiền - vì thế chúng tôi thấy cô dịu dàng xinh đẹp như cô tiên, còn một cô khá dữ - mà có thể hồi đấy người ta nghĩ đó là nghiêm khắc. Tôi may mắn có anh chị trên trông nom, lúc nào tóc tai cũng gọn gàng, móng tay móng chân cắt sạch sẽ, được dạy chữ dạy số ở nhà nên 5 tuổi là đọc sách làm toán cơ bản cũng thạo rồi, vì thế đi học cũng bình yên. Cô Huệ - cô giáo hiền như cô tiên được cả lớp rất thích. Cô hay đem cây đàn phong cầm (accordion) vào kéo cho cả lớp nghe. Những bản nhạc du dương cứ trầm bổng vang lên với những động tác kéo ra kéo vào làm tôi mê mệt. Tôi yêu âm nhạc từ những ngày thơ bé đó chăng?

Lớp tôi có bạn lớp trưởng rất to khỏe, lần nào đến giờ ăn cũng dành chén đẹp đũa đẹp làm nhiều bạn ấm ức mà không dám nói (cái này gọi là "đại bàng" nè :D). Tôi là thành phần ít va chạm vì nói chung cũng được cô cưng, ngày nào cũng cho cắm cờ, cuối tuần là vác phiếu bé ngoan về để ba tôi dán chi chít lên tường. Tuy vậy, có lúc lên cơn điên thì tôi cũng "gấu", dù người bé xíu xiu (hồi xưa còi mà, vào lớp 1 có 16kg thôi). Có một lần đang chơi xếp tàu, một bạn trai trong lớp cứ chờ xếp gần xong là đá tung tóe, nói rồi vẫn thế, tôi cáu, đứng phắt dậy oánh nó một trận. Thằng kia to hơn, nhưng có lẽ phần vì bất ngờ, phần thấy tôi dữ quá, nên không dám đánh lại mà khóc ầm lên. Cô Huệ tới dỗ nó rồi bảo tôi đánh bạn nên bị phạt, hôm nay là thứ 7 vẫn không phát phiếu bé ngoan dù cả tuần tôi ngoan. Tôi không phục, rõ ràng thằng kia phá đám trước. Tôi rút vào ngồi một góc, mẹ đến đón tôi nhất quyết không về, bảo chừng nào cô chưa phát phiếu bé ngoan thì tôi không về. Mẹ bảo vì tôi đánh bạn là không tốt, tôi cãi: "Tại nó phá đám trước con mới đánh. Sao giặc đến phá nước mình thì mình đánh lại, mà có đứa nó phá con lại không cho con đánh?" Mẹ tôi cười, cô cũng cười, cô bảo lần này cô cho phiếu bé ngoan, nhưng lần sau bạn sai thì con mách cô chứ đừng đánh bạn, lúc đó tôi mới chịu về.

Sau này, không ít lần đi ngang trường cũ, thấy trường được tân trang lại, đẹp đẽ và hiện đại hơn, tôi lại bồi hồi nhớ về trường mẫu giáo của tuổi thơ. Nhớ những buổi sáng sau giờ thể dục, những bàn tay bé xinh đưa lên miệng giả tiếng gà "ò ó o" rồi đi vào lớp, nhớ những hôm lễ hội chúng tôi được mặc áo đầm đỏ đồng phục của trường thật là thích, nhớ cả cổng trường sôi động giờ tan học - có bong bóng đủ màu, những xe kẹo bông, kẹo kéo và cả hương kem ngọt ngào.

Xem ti vi

Hôm trước ngồi "hoài cổ" về chiếc TV đen trắng nằm trong chiếc tủ gỗ có cửa và có chân, thấy nhớ quá mấy bộ phim một thời chết mê chết mệt, nhớ cả cái "văn hóa xem TV" của thời nghèo khổ.

Cho đến năm tôi học lớp 3 thì nhà mới sắm được cái TV đầu tiên, chính là cái TV đã kể trên, còn trước đó toàn đi xem nhờ nhà hàng xóm. Bây giờ thì nhà nghèo mấy cũng phải có TV chứ hổng có vụ xem nhờ này. Vì xem nhờ mà bọn trẻ con thường tụ tập tại một nhà sau bữa cơm, bàn tán đủ thứ chuyện linh tinh trước khi xem chương trình Những bông hoa nhỏ. Không có chuyện con nít ngồi ăn ê a để ba mẹ phải giục giã, vì ăn muộn là khỏi xem "Hãy đợi đấy" hay "Maika - cô bé từ trên trời rơi xuống"... Cứ đến 7h tối, sau lời giới thiệu của cô phát thanh viên, tiếng nhạc Những bông hoa nhỏ vang lên có một sức cám dỗ kỳ lạ, lôi kéo mọi sự chú ý của tất cả những ai không phải là người lớn. Nhạc hiệu chương trình chính là đoạn nhạc dạo đầu trong bài hát "Chim hót đầu xuân" của nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn, mời mọi người nghe lại:


Thời đó việc xem TV không có nhiều chọn lựa như bây giờ, nghĩa là có gì xem nấy, mà tối đài mới phát sóng cho mà xem. Chính vì vậy mà ngoài một buổi đi học, trẻ con có nguyên một buổi để học bài và vui chơi ngoài trời, hiếm có đứa trẻ nào béo phì hoặc thành "gà công nghiệp" vì ngồi lì trong nhà xem TV quá nhiều. Sân chung là chốn tụ tập với biết bao trò quỷ quái và những sáng chế cực sốc. Chuyện phim buổi tối cũng được đem ra tám ở đây. Xem đá bóng World Cup hay Euro thì toàn xem phát lại, mà hầu như ai cũng ủng hộ đội tuyển Liên Xô vì hồi đó Liên Xô tài trợ cho mà xem, Liên Xô bị loại thì khỏi xem luôn, hehe. Coi đá bóng trên TV đen trắng vui đáo để, hôm nào các đội mặc áo màu tương phản thì xem rõ, áo khác màu nhưng độ đậm nhạt tương đương thì căng mỏi mắt luôn. Sang thập niên 90, truyền hình VN phát sóng nhiều kênh và phát cả ngày, nhà nhà có TV màu để xem, thấy cứ như cuộc cách mạng về văn hóa tinh thần. Nhà tôi cũng giã biệt em Sanyo đen trắng chuyển sang em Panasonic màu có 14 inch - nhỏ xíu mà hồi đó thấy vậy là mãn nguyện lắm rồi, vì ít ra cái TV này có màu, có điều khiển từ xa và không phải vặn đủ thứ nút để chỉnh hình hay không phải "đập đập"... :D

Đã nói chuyện xem TV thì không thể không nhắc đến những phim hay của một thời. Rất nhiều bộ phim thời đó - cả phim thiếu nhi lẫn phim người lớn - đã trở thành một miền ký ức không thể xóa nhòa, tuy rằng nội dung không hẳn đều nhớ rõ nhưng ấn tượng đọng lại vẫn theo mãi cho tới bây giờ.

- Maika - Cô bé từ trên trời rơi xuống: Bộ phim khoa học viễn tưởng của Tiệp Khắc về cô bé ngoài hành tinh có đôi mắt lóe sáng này đã từng là niềm đam mê của không biết bao nhiêu trẻ nhỏ. Thời đó thì không sành điệu như bây giờ, kiểu như tung ra cả loạt thời trang và đồ chơi nhái theo phim Harry Potter, nhưng mà kiểu tóc Maika cũng được khá nhiều bé gái học theo. Sau này đọc báo mới biết tên Maika là không chính xác, đúng ra phải đọc là Mai-a (nguyên bản tiếng Tiệp là Maija) nhưng vì nó đã in sâu trong tâm trí cả một thế hệ nên hầu như ai cũng muốn gọi bằng cái tên quen thuộc: Maika.

- Hãy đợi đấy: Bộ phim hoạt hình Liên Xô về thỏ và sói này có thể nói là một cartoon kinh điển để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn trẻ nhỏ một thời, trước cả loạt phim Tom & Jerry hấp dẫn của Disney. Tuy rằng hình ảnh, màu sắc và kỹ xảo hồi ấy không sánh được với các phim hoạt hình sau này, nhưng những pha đấu trí thông minh và khôi hài trong phim vẫn cực kỳ lôi cuốn. 

- Ma quỷ dưới bánh xe khổng lồ: Bộ phim hài của Đức vừa mang tính thần thoại vừa có chút kinh dị, bây giờ cũng không nhớ rõ nội dung chỉ nhớ hồi xưa rất khoái xem, xem đến đâu là cả bọn con nít cười ầm ĩ tới đó.

- Công chúa Arabela: Đây là phim cổ tích thời hiện đại của Tiệp Khắc (công nhận các bác Tiệp hồi đó có nhiều phim thiếu nhi hay ghê) kể về nàng công chúa Arabela chạy trốn tên phù thủy Rumburak từ thế giới cổ tích đến thế giới hiện đại. Truyện này tôi cũng đã từng đọc.

Không chỉ phim trẻ con, phim người lớn cũng rất hấp dẫn (mà suy cho cùng cái thời thiếu thốn ấy xem gì chả thấy hay), chẳng hạn như bộ phim Bulgaria Trên từng cây số từng là phim của một thế hệ - hay cả về nội dung lẫn giai điệu trong phim, hay phim Bạch tuộc của Ý về cuộc chiến khốc liệt chống lại mafia với nhân vật chính là thanh tra Cattani, cùng nhiều phim hay khác được chiếu suốt thập niên 80 đến đầu những năm 90 như Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân, Khi đàn sếu bay qua, Những đứa con của thuyền trưởng Grant, Sông Đông êm đềm, Tên trộm thành Baghdad, Cuốn theo chiều gió, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Tất cả các dòng sông đều chảy, Tình sử Angélique, Nô tì Isaura, Người giàu cũng khóc, Cánh đồng hoang, Chị Dậu, Bao giờ cho đến tháng 10, Biệt động Sài Gòn, Đến thượng đế cũng phải cười...

Chuyện làm thêm

Như những đứa trẻ cùng trang lứa khác, mỗi khi hè đến tôi rất thèm nước đá. Cứ nghĩ trời nóng nực, đi học đi chơi về được uống một ly đá chanh thì còn gì bằng. Vì thèm nước đá mà mong muốn nhà có cái tủ lạnh trở thành một khát khao cháy bỏng. Ba tôi trước khi chuyển sang ngành giáo dục thì làm phiên dịch cho Bộ ngoại giao nên cũng được đi nước ngoài vài chuyến, nhưng tính ba tôi tình cảm và lãng mạn, lại nhiều lý tưởng, nên trong những chuyến đi ấy toàn đem về đồ chơi cho con và đồ tặng vợ, hiếm có thứ gì nặng về vật chất. Ba mẹ tôi dành dụm mãi để mua tủ lạnh, mà chẳng biết bao giờ mới đủ vì cứ tiết kiệm đủ số thì giá tủ lạnh lại lên, hehe. Ba mẹ tôi liều vay thêm một ít mua chiếc Saratop nhỏ xíu - chắc tầm 120 lít trong tiếng vỗ tay hoan hô của mấy đứa con. Thế là từ giờ tôi được uống nước đá, được ăn kem đậu mẹ làm. Mà đúng ra, cái tủ lạnh có phải để phục vụ nhu cầu ăn đá lạnh của mấy đứa con thôi đâu, cũng chẳng cần dùng để bảo quản thức ăn vì hồi đó ngày nào chả đi chợ, mà cái chính là để làm yaourt, kem  bỏ cho hàng quán.

Thời đó, những ai đi làm nhà nước chắc đều phải làm thêm vì lương không đủ ăn, huống chi nhà nào cũng 3-4 đứa con tuổi ăn học. Ba mẹ tôi cũng không phải là ngoại lệ. Thiên hạ làm thêm thứ gì, chắc nhà tôi cũng có đủ. Đến giáo sư còn nuôi heo thì cớ gì nhà tôi lại không nuôi heo? Chuối trồng trong vườn nhà thật là đa ứng dụng - hoa chuối để làm nộm, trái để ăn, thân thì cho heo. Mẹ tôi ngoài giờ đứng lớp còn làm thêm kem và yaourt để tôi mang ra bỏ mối cho quán. Tôi rất thích đi giao hàng, vì lúc đó tôi được vác xe đạp ra đi một vòng, dù từ nhà ra quán chỉ chừng trăm mét, hehe. Yaourt thời đó dĩ nhiên không có men xịn như Yogourmet bây giờ, cũng chả có máy hay nồi cơm điện, lò vi sóng..., mà toàn ủ nắng hay nước ấm, dẫu sao thì vẫn được cho là ngon. Đến mùa hè thì cả nhà bóc đậu phộng đến rộp cả tay. Cái giường được kê ra giữa sân, đậu phộng nguyên vỏ nhận về từng bao tải, người một cái kẹp ngồi bấm tách tách. Tuy thế, có những đêm trăng sáng, vừa làm vừa nghe kể chuyện cũng thấy vui. Chị lớn của tôi thêu tay rất đẹp, hồi học cấp III chị còn đi thêu đồ xuất khẩu. Nhờ chị dạy cho nên tôi cũng thêu đẹp. Còn nhớ năm học lớp 9, tôi học đội tuyển quốc gia, không tham gia chương trình ở lớp, cứ đến giờ kỹ thuật nữ công là bạn tôi đem nộp bài thêu của tôi - những món tự thêu ở nhà theo chủ đề cô đưa chứ không đến học tại lớp - mà cũng toàn được 10 điểm. Tiếc rằng bỏ bê lâu quá nên tôi không còn giữ được chút tài vặt ngày xưa. Chị thứ hai của tôi là đứa con mẫu mực trong nhà vì chăm làm chăm học, tính tình hiền dịu, đảm đang. Chị học rất giỏi, dệt cũng khéo. Chả biết mẹ tôi tha đâu về cái khung cửi cho chị dệt hàng. Anh tôi là con trai một nhưng cũng tham gia đủ món làm thêm của nhà, lại còn chia nhau nấu cơm với chị em nữa. Tôi thuộc thế hệ sau, lại có chút khiếu văn chương nên thời đi học cũng viết bài đăng báo - những tờ báo tuổi teen hồi đó như Áo trắng, Tuổi xanh, Hoa niên, Hoa học trò... đều có tên tôi, nên tôi cũng nhận được mấy đồng nhuận bút còm. :)

Nhà tôi ở gần sân vận động. Năm tôi khoảng 8-9 tuổi gì đó thì sân vận động nâng cấp thêm giàn đèn để đá đêm. Đá bóng ban đêm quả là một khái niệm mới mẻ lúc ấy, vì trước đó toàn đá ngày. Đêm đá bóng đầu tiên, dân tình nô nức kéo nhau đi xem, lũ trẻ con chúng tôi cũng chộn rộn cả lên. Dàn đèn bên sân vận động được bật sáng choang, rọi vào khu nhà tôi, làm cả khoảng sân sáng đến mức có thể đọc báo được. Đang hè, chúng tôi kéo hết ra ngoài chơi trốn tìm. Buồn cười nhất là tôi bắt được một đứa ngồi vắt vẻo trên cây chỉ nhờ ánh đèn xuyên qua bóng lá chiếu cái bóng nó lù lù in trên mặt đất. :D

Những buổi đá bóng đó làm chúng tôi nghĩ ra thêm việc để kiếm tiền. Số là thấy trước nhà mình người ta chăng dây giữ xe loạn xạ, một hôm có đứa đề xuất: "Người ta giữ được, sao tụi mình không giữ được?" Thế là mấy đứa rủ nhau giữ xe, cũng sắm phấn sáp trắng và làm mấy mảnh bìa vuông ghi số ký tên nhặng xị cả lên. Nhưng mà toàn con nít, ai dám đem xe vào gửi? Cả bọn huy động phụ huynh của một đứa ra làm "bảo kê". Bữa giữ xe đầu tiên thành công tốt đẹp, sau khi trừ tiền ăn quà trong buổi giữ đứa nào cũng rủng rẻng kha khá mang về. Tuy vậy, trò này chỉ diễn ra được vài buổi là phải ngưng. Người lớn không cho phép bọn trẻ con chúng tôi kiếm tiền giữa chốn chợ đời khi còn nhỏ như vậy.

Tuổi thơ thật nhiều chuyện đáng nhớ, từ chuyện canh ăn trộm đến những trò nghịch ngợm động trời, chuyện khu nhà đầy cây xanh và những người bạn hàng xóm của tôi... nhưng không thể nào viết tiếp trong một bài nên đành hẹn phần sau vậy. Đôi khi tôi vẫn thầm tiếc cho những đứa trẻ bây giờ vì đã không được chơi những trò ngày xưa chúng tôi vẫn từng chơi - phải nói là: sôi động, sáng tạo và lý thú.

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Ban công xinh - một chút gì để nhớ

Thật là trùng hợp, ngày mà mình sẽ rời khỏi căn nhà này cũng là ngày mà mình đã đến - đúng 3 năm về trước. Trên chiếc ban công này, cũng có những thời điểm không có hoa, cũng có những lúc cây cối bị bỏ bê vì những lý do riêng, nhưng nhìn chung phần lớn thời gian hoa vẫn nở, lá vẫn xanh đùa với gió sông.

Vườn xinh trên ban công

Dưới đây là bộ sưu tập (chưa đầy đủ) hoa trái nhà mình trên ban công trong 3 năm qua:

Tử la lan

Bướm đêm/chua me đất lá tím

Táo xinh

Dã yên thảo

Tiểu quỳnh

Thanh tú

Cosmos

Cúc đồng tiền

Dã yên thảo

Cúc nữ hoàng

Đuôi công xanh

Dừa cạn

Dưa leo

Bạch hoa

Dã yên thảo
 
Cúc

Lựu
 
Cosmos
 
Cúc sao băng

Lan tiêu

Dã yên thảo Mexico

Bìm bìm hồng

Sam & mười giờ

Tóc tiên dây

Cà chua
 
Tóc tiên/huệ mưa

Tố liên/mắt nai

Phlox


Thanh tú

Tuyết sơn phi hồ

 Và cũng nhớ lắm những thời khắc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên:

Những khoảnh khắc của bình minh

Lộng lẫy trăng vàng 16

Post lại những dòng thơ cuối trong một bài đã viết cho con để nhớ mãi góc nhà đầy kỷ niệm:

"Con đi qua tuổi thơ
Hòa mình cùng cuộc sống
Thành phố đầy mơ mộng
Từ một góc nhà xinh."