Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Nhật ký tuổi thơ (phần 2)

1. Khu phố nhỏ bình yên

Rất nhiều bạn ngỡ tôi là người Huế. Thực ra không phải, đó không là nơi tôi sinh ra hay là quê hương của ba mẹ tôi, chỉ là nơi tôi đã trải qua một thời thơ ấu. Tôi là người tứ xứ, nguyên quán một nơi, sinh ra một nơi, lớn lên một nơi, lập nghiệp một nơi. Chắc vì thế mà tính cách cũng thuộc loại tả pí lù, ương ương dở dở: dịu dàng đảm đang như con gái Huế thì chưa tới, sắc sảo khôn ngoan như con gái Bắc cũng chả xong, ngọt ngào đằm thắm như con gái Nam cũng chả có nốt, hehe.

Ba tôi vốn sinh trưởng trong một gia đình khá giả ở vùng đất võ Tây Sơn - Bình Định. Hồi đó, ba là cháu đích tôn, rất sướng, chỉ có chơi và học, đêm ngủ còn có người làm thay phiên nhau quạt, cuộc sống sung túc đủ đầy. Bi kịch gia đình ập đến khi ông nội tôi bị tai nạn qua đời, khi đó ba tôi mới 11 tuổi. Bà nội tôi là một phụ nữ rất đẹp, nhưng đau ốm liên miên, lại sống dựa vào chồng như hầu hết phụ nữ đã thành gia thất hồi đó. Gia sản lần lượt được bán đi để lo cho kinh tế gia đình, lo chạy chữa thuốc thang, nhưng chỉ 2 năm sau đó bà nội tôi cũng vì bệnh nặng và quá đau buồn mà theo bước ông tôi, để lại 3 đứa con thơ - lớn nhất là ba tôi mới có 13 tuổi.

Mồ côi cha mẹ, ba anh em chia nhau đến sống ở nhà các cô chú, vừa đi học vừa đi làm, khó khăn tả sao cho xiết. Năm 1954, ba tôi nằm trong đoàn học sinh miền Nam ra Bắc học tiếp cấp 3, rồi lên đại học. Đời bước sang trang mới. Ba tôi tốt nghiệp, đi làm, rồi quen với mẹ tôi trong một lần đến chơi nhà người bạn cùng học đại học. Rồi cưới nhau, sinh con, mãi đến năm tôi gần 2 tuổi (chị đầu tôi khi ấy đã 13 tuổi) cả gia đình mới vào Huế định cư, ba mẹ là giảng viên ĐHSP.

Căn nhà chúng tôi ở là một phần trong khu biệt thự cũ của cố giáo sư Nguyễn Thúc Hào, khi đó là khu tập thể của các giảng viên, cán bộ trường đại học với 6 nhà tất cả. Nhà chúng tôi chỉ khoảng hơn 50m2, bù lại có mảnh sân và khu vườn khá rộng. Vườn đầy rau và hoa trái, thơm ngát cả tuổi thơ.

Đối diện nhà tôi là một quán bún bò - ngày xưa là tiệm bún nổi tiếng của Huế, nhưng bây giờ cả nhà đó dẹp tiệm đi Mỹ hết rồi. Nói thực là ở Huế tôi chưa thấy quán bún nào ngon bằng quán này, những ai từng ở Huế thập niên 80 chắc đều nghe danh "Bún bò Nguyễn Thái Học" hay "bún bò bà Lan". Bà chị tôi thường cải biên bài "Chiều trên bến cảng" mà nghêu ngao thế này: "Một chiều mùa hè, Nga ngồi trước cửa. Hai tay hai tô to, mắt nhìn sang bún bò. Ôi bún bò thân yêu, nước lèo sao ngon vậy..." Hehehe. Ngoài bún bò là món chủ lực thì quán có vài món Huế nữa, và để hương vị thơm ngon thì cần có khế chua. Giờ quảng cáo nè, nhà tôi có 2 cây khế một chua một ngọt thuộc loại đẹp người đẹp nết, quả sai trĩu trịt, vị lại ngon. Quán bún bò kia đi khắp các chợ cũng không có khế ngon bằng nhà tôi nên họ quyết định mua đây là tiện nhất. Nhưng mẹ tôi ngại bán cho hàng xóm, của cũng chẳng đáng gì nên chỉ lấy một khoản nhỏ cho họ đỡ ngại.

Hồi đó chị gái đầu của tôi được sang Nga học, à lúc ấy gọi là Liên Xô. Ba tôi cũng hay đi công tác ở LX, lại sống trong cái thời bao cấp được LX viện trợ nên không nói gì đồ đạc trong nhà, cả đồ chơi và đồ dùng học tập của tôi cũng sặc mùi nước Nga. Tôi có rất nhiều cuốn tập bìa vàng kẻ ô chị gái đem từ Nga về, dùng rất thích, mỗi tội cứ 1 trang lề phải một trang lề trái nên toàn phải kẻ lề lại. Hộp bút dạ 6 màu là món đồ thủ công xa xỉ mà bọn bạn học đều thèm muốn, cả màu chì, màu nước cũng là hàng Nga, rất đẹp. Cái thời khó khăn ấy, được như vậy là thấy cũng thỏa mãn lắm rồi, không như bây giờ con tôi ra hiệu sách là có ti tỉ thứ. Sách vở được bao bằng họa báo nhiều màu (hồi đó ba tôi được trường phát họa báo "Liên Xô" và "Phụ Nữ Liên Xô" - giấy đẹp và tranh ảnh cũng đẹp, bao tập khỏi khê). 

Nhà tôi có một khu vườn rộng, và chị em tôi dùng một khoảng sân trước cũng như lối đi từ cổng vào để trồng hoa. Nói là chị em, nhưng thực chất chỉ có chị gái thứ 2 và tôi là thích trồng thôi. Có những loài hoa bây giờ tôi yêu vì nó đã từng gắn liền với một tuổi thơ đẹp đẽ: hoa tóc tiên dây, huệ mưa, cosmos, đồng tiền, thạch thảo...

Khu nhà tôi ở nằm bên đường lớn, chạy dọc hai bên đường là hàng cây cổ thụ xanh mướt nõn nà. Đó là cây muối. Cây muối thân to, bóng tỏa rộng, mỗi độ xuân về là cả một màu xanh non óng ả đâm chồi lộc biếc. Quả muối nhỏ li ti trổ thành từng chùm, bọn con trai hay dùng làm "đạn" để bắn từ cái súng bóp tự chế.

Những chùm muối xanh non - Ảnh: sưu tầm

Những cây muối cổ thụ bao năm đứng cùng mưa nắng đã từng chứng kiến thật nhiều trò vui của trẻ nhỏ. Dưới tán lá xanh um mát rượi, chúng tôi chơi đánh banh thẻ, đá kiện, nhảy dây, nhảy ngựa..., bọn con trai trốn người lớn leo trèo hái quả muối vừa để chơi súng vừa nhâm nhi vị chua chua ngọt ngọt. Sau này (khi tôi đã định cư ở TP. HCM), con đường chạy qua khu nhà tôi ở được đầu tư mở rộng thành đường lớn, các khách sạn mọc lên như nấm, những cây muối lừng lững bị đốn sạch, con đường xanh mát bình yên năm nào thành một con phố rộng đầy nắng. Tôi cảm thấy tiếc hai hàng cây giúp cho con đường "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu". Những người chịu trách nhiệm quy hoạch thành phố, họ nghĩ gì mà phũ phàng đốn chặt hết những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như thế?

2. Những trò chơi của tuổi ấu thơ

Ngày ấy, 6 nhà trong khu tập thể cùng ra vào bằng một cổng chung. Từ cổng bước vào là một khoảng sân lớn mà bọn trẻ con hay tụ tập chơi bời. Nhà nào cũng có vườn rộng, thế nên không gian chơi ngoài trời không hề thiếu. Buổi trưa, cả bọn trốn ngủ chạy rần rật khắp xóm, la hét ầm ĩ, người lớn không ai ngủ được. Tuy vậy, cũng không mấy ai ý kiến ý cò vì tình hình là nhà nào cũng có một vài "giặc nhí" tham gia, chỉ có nhà bác T., con cái đều lớn cả, là tỏ ra rất bực bội vì lũ trẻ con nghịch ngợm ồn ào này, bác qua các nhà mắng vốn hoài.

Cho đến bây giờ tôi vẫn kể cho con nghe những trò chơi thuở nhỏ, và cùng con chơi một số trò. Nhưng tôi biết, không thể dựng lại cho con cả một tuổi thơ hồn nhiên và đơn giản, cùng bè bạn chơi hết mình đến toạc cả áo và người lấm lem. Mỗi thời mỗi khác mà.

Chơi banh thẻ (các nơi khác gọi là đánh chuyền) là trò chơi được bọn con gái rất thích. Mười cây thẻ được rải ra và trái banh tung lên tung xuống, bàn tay nhón lấy thẻ và bắt bóng thật nhanh nhẹn. Gần nhà tôi có một khóm khúc vàng óng, chúng tôi bẻ những cành trúc thon dài, chặt ra từng đoạn làm thẻ. Đến mùa nắng người ta phơi đót làm chổi, chúng tôi lại lê la qua mấy con đường bên cạnh nhặt đót về làm thẻ. Banh để chơi thẻ lý tưởng nhất là banh tennis. Vì banh tennis hồi đó còn hiếm nên quả nào cũng được chơi đến khi bợt bạt cả ra.

Năm mười banh: Đây là trò chơi của những trưa trốn ngủ và những tối mùa hè lộng gió. Năm mười chính là trốn tìm, nhưng năm mười banh thì còn gắn thêm trái banh nữa, vì thế náo nhiệt hơn. Trái banh được sút xa lắc xa lơ, đứa nào "bị" phải nhặt banh đặt lại vòng tròn và đi tìm những đứa đang trốn. Loanh quanh tìm chưa ra mà đứa nào gần đó chạy ra sút bóng là tiêu, phải đi lượm lại. Mười mấy đứa cùng chơi thì thể nào trong đó cũng có những cặp anh em, chị em ruột để còn bênh nhau, đứa nào đơn thương độc mã thì thảm cảnh bị hoài bị mãi là rất dễ xảy ra.

Dọa ma: Những tối cúp điện, cả bọn túm tụm nhau lại để kể chuyện ma. Thôi thì ma xó, ma le, ma da, ma trơi... đủ cả. Nghe sợ đến dựng tóc gáy nhưng vẫn thèm nghe. Hết kể chuyện ma lại đến trò dọa ma. Có lần anh tôi cùng 2 thằng hàng xóm nữa, nhân một đêm cúp điện, ngậm cây nhang đang cháy trong miệng để dọa ma 2 đứa con gái con bác xích lô gần nhà. Đêm ấy trời không trăng không sao, lại không có điện, 3 thằng giặc quỷ đốt nhang, cắn que nhang giữa 2 hàm răng, đầu nhang cháy nằm trong miệng nhưng không chạm vào họng hay vòm miệng, rồi nhe răng ra. Đốm than hồng chiếu vào 2 hàm răng trắng thành một mảng hồng nổi bần bật giữ đêm đen. Cả 3 thằng trèo lên cây muối, núp mình trong những tán lá xanh. Hai đứa kia đi xem phim về, trời tối đen, gió vi vu xào xạc, đường vắng, cũng sợ nên cắm mặt đi mải miết, đến gần cây muối thì nghe có tiếng cười ghê rợn vang lên. Hai đứa nhìn lên cây theo phản xạ, thấy những đốm hồng chao qua chao lại giữa tiếng cười khàn khàn ma quái, thế là vừa chạy vừa hét ầm ĩ làm cả phố phải đổ ra đường. :D

Tháng 9 vào năm học mới cũng bắt đầu sang mùa lũ. Những cơn mưa dai dẳng từ đầu nguồn làm nước sông dâng cao, tràn vào các khu phố trũng. Lũ đến thì chỉ người lớn khổ, còn bọn trẻ con lại xôn xao đi lội nước, bắt cá, thả thuyền... Tuổi mẫu giáo thì làm thuyền giấy, lớn hơn, chúng tôi cắt bẹ chuối, gọt những thanh tre nhỏ, thế là dựng nên chiếc thuyền buồm thả lênh đênh theo dòng nước lũ. Cá rô tràn từ sông vào, bọn trẻ con vừa đi lội nước vừa bắt, hầu như chả bắt được, chỉ có người ướt sũng và bẩn như ma.

Những mùa bão lũ đi suốt tuổi thơ của tôi những năm ở Huế, thích nhất là những hôm nước dâng cao, được nghỉ học ở nhà để quậy. Nhưng tôi cũng ghét cái khí trời khắc nghiệt, mưa lạnh triền miên làm cái mũi tôi cứ sụt sịt hoài, người không lớn nổi. Mãi khi vào trong này, được hưởng khí hậu phương Nam ấm áp, tôi mới khỏe ra. Tuy vậy, tôi vẫn thấy nhớ những ngày mưa đổ xối xả trên mái trút xuống từng dòng, bọn trẻ con chúng tôi kéo ra sân tắm mưa, áo quần sũng nước dán chặt vào người, mắt đứa nào cũng ngời sáng. Tắm mưa thật là thú vị biết nhường nào.

Lũ chỉ xảy ra độ vào thu nhưng mưa Huế thì vẫn tầm tã cho đến tận cuối xuân. Tháng 4 ve bắt đầu kêu, ngồi trong lớp học đã thấy xốn xang không khí vào hè dù vẫn chưa thi học kỳ. Nhiều đứa bẫy được ve mang đến lớp, đựng ve trong hộp diêm, có khi "tai nạn" xảy ra làm ve kêu ré lên giữa giờ học. Chúng tôi rất thích bẫy ve. Trường ĐHSP cách nhà không xa có một khu vườn phía sau trồng đầy nhãn, đó cũng là nơi ve hội tụ. Ve nhiều vô kể, lột xác rơi lả tả quanh gốc nhãn. Những cành cây nhỏ được chúng tôi quệt nhựa mít rồi gác lên các cây nhãn, ve sa vào cứ gọi là chi chít.

Mùa hè, bọn trẻ con rất thích ra sông. Từ khu nhà tôi ra sông Hương chỉ mất 5 phút đi bộ. Sông Hương chảy giữa lòng thành phố, chia Huế ra 2 bờ Nam Bắc, trải dài, trong vắt, xanh biếc mây trời. Có lẽ có một chút thiên vị từ những kỷ niệm tuổi thơ nên khi tôi nghĩ đến những dòng sông Việt, trong thâm tâm tôi vẫn cho rằng không có con sông nào đẹp cả về địa thế, dáng hình lẫn màu nước xanh trong như sông Hương. Bờ sông trước trường ĐHSP là một bãi cỏ xanh mướt nhiều cây (bây giờ là công viên). Ở đây chúng tôi đào dế đem về chọi, hoặc thơ thẩn kiếm cỏ gà tết lại đá nhau. Đứa trẻ nào cũng bị cấm bơi sông, nhưng câu cá thì thoải mái. Câu cá phải nói là rất khó, hay vì mùa hè nước biển Thuận An tràn vào cá được ăn nhiều i ốt nên khôn quá, hehe, nên hiếm khi câu được con nào. Xúc cá xem ra còn dễ hơn. Những con cá bé xíu nhiều màu bơi từng vạt gần bờ, bọn trẻ đem vợt ra vợt, mỗi lần cũng trúng mấy con.

Dòng sông kỷ niệm

Nhắc đến tuổi ấu thơ không thể quên trò thả diều. Nhà tôi chỉ cách sân vận động mấy bước chân, nên những ngày nắng và lộng gió, cả bọn lại kéo qua đó thả diều, không gian cực kỳ lý tưởng. Anh tôi làm những con diều giấy từ báo cũ và cuộn giây cước. Sân vận động thênh thang đầy gió, diều bay cao trên nền trời xanh biếc, từ nhà tôi nhìn qua cũng thấy. Lãng mạn hơn thì ra bờ sông thả. Bây giờ, con tôi cũng thả diều bởi nhà tôi bên sông đầy gió, nhưng con diều xanh đỏ được bày bán ngoài hàng không làm tôi thấy xúc động nhiều như những cánh diều giấy đơn sơ của anh em tôi ngày ấy.

Bắn bi, ô quan, nhảy dây, lò cò, ma rà, truy bắt kẻ trộm... là những trò quen thuộc quá, không kể nữa. Bọn tôi còn chơi tạt lon. Thời ấy mà uống sữa thì chủ yếu chỉ có sữa Ông Thọ. Sữa uống xong thì lon được đem ra chơi cùng dép nhựa. Trò này đòi hỏi phải nhanh tay nhanh chân nhanh mắt, chơi xong thì mồ hôi mồ kê nhễ nhại, cả bọn ùa vào một nhà nào đó chia nhau nước đá ăn. Phải nói là ăn chứ không phải uống nha, vì đá nhai rau ráu. Đến mía cũng gặm rau ráu, dùng răng tước luôn cả vỏ mía chứ ngồi đó mà chờ chẻ mía ra là xa xỉ. Cái lon sữa bò ngày ấy thật là đa ứng dụng. Lon nằm trong thùng gạo của mẹ để đong gạo, lon được dán giấy hoa trang trí thành những ống đựng mực theo chân trẻ thơ đến trường, lon được dùng để chơi tạt lon, làm lồng đèn, để tự chế điện thoại với dây thép và hai đứa đứng ở hai đầu áp tai vào lon... Bọn trẻ con rất thích ăn sữa đặc. Hồi đó, một đứa bạn tôi có ba là phi công nên hay có sữa Ông Thọ mang về, nên ai hỏi nó sau thích làm nghề gì thì nó bảo chỉ thích làm phi công để uống sữa Ông Thọ. :D

Chơi đồ hàng ngày xưa công phu hơn bây giờ, bởi đâu có sẵn nhiều đồ mà chơi, đa phần là tự chế. Anh tôi dẫn tôi đi đào đất sét - thứ đất sét thiên nhiên chỉ có mỗi màu vàng nâu. Về nhà anh tôi nặn tượng, đắp thành lũy, tôi cũng nặn các con vật và cả đồ chơi. Chén dĩa nồi chảo tí hon nặn bằng đất sét rồi phơi khô cứng như nhựa, trộn lẫn với vài món đồ hàng đích thực còn giữ được, và thực phẩm chính là lá, là hoa hái trong vườn đem ra thái nhỏ làm bún, làm chả. Chị tôi còn lấy bèo Nhật xẻ ra nhét nhân vào làm bánh mì.

Vận động tay chân cũng có mà vận động trí óc cũng có nha. Rảnh rỗi là chúng tôi rủ nhau chơi cờ vua hoặc chơi bài. Cờ vua thì nhà đứa nào cũng có một bộ vì nó là đồ chơi trí tuệ được các phụ huynh nhiệt liệt hưởng ứng, còn bài thì chơi đến nát bét ra còn tự chế, chứ tiền đâu mua hoài. Giấy bìa được đem ra cắt từng mảnh chữ nhật rồi vẽ các quân bài lên, công phu phết. Hồi đó chơi bài còn kiếm cái nồi đầy nhọ đen để bên cạnh, đứa nào thua thì bị quẹt. Hôm nào thua liểng xiểng thì mặt bẩn như ma.

Đá bóng là trò chơi của con trai, nhưng hôm nào quân số không đủ thì con gái cũng được huy động. Vả lại hồi đó con gái cũng cắt tóc ngắn, mặc quần ngắn chạy chơi cho dễ chứ đứa nào váy áo thướt tha dễ bị gọi là tiểu thư lắm, thành ra trai gái đều chạy nhảy ầm ầm hết. Nhà nào cũng có vườn, có cây ăn trái: nhà thì ổi, vú sữa, mận, nhà thì mãng cầu, dừa, xoài... Chỉ có dừa là không trèo hái được, còn lại cây nào cũng trèo tuốt luốt. Cầm nguyên trái hái từ trên cây xuống mà gặm nó ngon hơn ngồi phòng khách cầm dao cắt từng miếng gọn gàng hay sao ấy.

Cây dừa không ai hái được ấy trồng ở một góc sân trước của nhà tôi. Đó là cây dừa lửa, quả vàng sậm, nước ngọt mát. Bác xích lô gần nhà là người duy nhất có thể trèo hái dừa, nên thỉnh thoảng, chờ dừa chín một loạt, bác lại trèo hái cho tất cả các nhà, mỗi nhà mấy quả quăng dưới gầm giường. Dừa non thì để uống, dừa già được kho với thịt, thơm thơm là. Hoa dừa nhỏ li ti rụng xuống đầy sân nhà tôi, thuở nhỏ tôi vẫn kết vòng từ những bông hoa dừa ấy.

Còn nhiều, rất nhiều những trò chơi tuổi thơ khác nữa, không thể kể hết ra đây. Cả những câu đồng dao thuở nhỏ, và những người bạn hàng xóm thân thương bây giờ đã mỗi người mỗi ngả. Tôi không nuối tiếc một điều gì cả, nhưng khi nghĩ lại ngày xưa, lòng vẫn rung lên một nỗi xao xuyến nhẹ nhàng.

Bóng bay ai thả lên trời?
Tôi đan kỷ niệm một thời ấu thơ...

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét