Dạo này con gái hay bảo mẹ kể chuyện hồi nhỏ cho con nghe. Tôi nhớ những ngày thơ bé, tôi cũng thường đòi mẹ kể những câu chuyện khi mẹ còn là một đứa trẻ. Những câu chuyện ấy - bình thường, giản dị, hơi khác lạ so với những gì đang diễn ra, không chỉ là hoài niệm và còn là kiến thức về cả một thế hệ - bao giờ cũng có sức lôi cuốn mạnh mẽ.
Tôi viết lại những hồi tưởng về thời thơ ấu, vừa để mình quay trở lại một khoảng thời gian đẹp đẽ, lưu giữ kỷ niệm, vừa để các con tôi sau này đọc lại sẽ biết mẹ của mình đã từng lớn lên như thế nào.
***************
Chuyện mẫu giáoCả nhà tôi chuyển vào Huế năm tôi gần 2 tuổi, khi đó chị lớn của tôi 13 tuổi. Ba mẹ tôi là giảng viên ĐHSP nên tôi được gửi ở nhà trẻ trong trường. Gọi là nhà trẻ cho oai, chứ thực ra đó chỉ là vài lớp giữ trẻ dành cho con em các giảng viên, cán bộ. Trông nom bọn trẻ trong lớp học của tôi là một bác bảo mẫu già (tôi còn nhớ là bác Ngữ) cùng 2 cô giáo trẻ. Đồ chơi không nhiều, nhưng bù lại, do ba mẹ làm trong trường nên rất hay ghé vào thăm chúng tôi những giờ rảnh rỗi hoặc trống tiết. Phòng học của chúng tôi, phía trước là cửa lớn và cửa sổ nhìn ra sân trường rộng có nhiều người đi lại, phía sau cũng là cửa sổ nhìn ra vườn. Tôi thích đến chơi bên cái cửa sổ này - ngoài ấy là một khoảng trời rất xanh, và những vòm lá mát rượi, trong vắt tiếng chim. Khi chớm vào hè còn có tiếng ve kêu ran, cô giáo nhặt hoa phượng vào cho chúng tôi chơi đủ trò. Sát bên cửa sổ là một cây trứng cá rất sum suê. Mùi hương trứng cá thơm phức, ngọt ngào cứ đeo bám tuổi thơ tôi mãi.
Tôi học 2 năm ở cái lớp giữ trẻ của trường ấy một cách êm đềm và bình lặng, cho đến một ngày mẹ đón tôi về và bảo rằng từ tuần sau con sẽ đi học ở trường mới. Học trường mới - ô la la, thật là một điều gì đó mới mẻ và hấp dẫn. Tôi đòi mẹ chở đi qua trường mới xem như thế nào. Trường rất rộng, sân chơi cũng rộng và có hẳn một cái hồ cá ở giữa (nhưng không thấy con cá nào), lớp học đều đặn và khang trang. Tôi quả quyết với mẹ là tôi rất thích trường mới này.
Sau này tôi mới biết, dù đó là năm 1980, việc tôi được vào học trường Mầm non Thành phố không dễ tí nào. Trước đó ba tôi đã năm lần bảy lượt xin cho anh tôi vào trường này mà không được nên phải học ở một trường nhỏ hơn gần nhà. Nhân một đợt đi họp các cán bộ quản lý ngành giáo dục, gặp cô K. hiệu trưởng trường Mầm non TP, ba nói chuyện: "Trường chị sao khó xin vào quá, tôi nộp đơn cho con trai mấy lần đều không được", cô K. bảo: "Sao anh không gặp tôi, tôi nói một tiếng là xong ngay". Ba tôi tiếp lời: "Thế thì tôi còn một con gái nữa". Hehe, thế là nhờ câu nói xã giao của cô hiệu trưởng mà tôi được học trường "xịn".
Những ngày đầu tiên học trường mới không thực sự hấp dẫn như tôi tưởng tượng. Đồ chơi khá nhiều, nhưng không phải lúc nào cũng được chơi. Ở đây tôi cũng có 1 cô bảo mẫu cùng 2 cô giáo, nhưng việc học hành rất quy củ. Giờ nào học, giờ nào chơi được phân chia rõ ràng. Lớp có 3 tổ là tổ gà con, chim non và bồ câu. Trên tường có một cái radio, giờ ăn giờ chơi thì bật nhạc. Có khách vào thì lũ trẻ con đồng thanh "chúng cháu chào cô ạ". Đã thế, chờ mỏi cổ đến tận 4-5 giờ chiều mới có mẹ cha tới đón. Đâm ra tôi thấy nhớ cái lớp học lộn xộn ở trường ba mẹ. Ở đó, buổi sáng bác Ngữ thay nước lọc vào bình cho chúng tôi uống, tôi hỏi: "bác ơi, nước lấy ở đâu thế?" "Trong căn tin cháu ạ." Cháu đi vào căn tin cùng được không?" "Được." Trong căn tin rất là vui nhộn, có thầy cô, sinh viên đủ cả. Giữa buổi thể nào sau 2 tiết dạy, mẹ tôi cũng ghé thăm, dắt tôi ra vườn sau hái cho mấy quả trứng cá, hoặc cô giáo làm cho cái chong chóng. Đứa nào thích làm gì thì làm, có khi đứa này ngủ đứa kia tô màu, tự do thoải mái.
Cô giáo thấy tôi buồn vì lạ lớp, đến giờ chơi dắt tôi ra hồ câu cá. À thì ra cái hồ tròn trước sân mà không có cá ấy là để câu cá đồ chơi - những con cá xốp nổi lềnh bềnh trên nước cho bọn trẻ con dùng cần câu móc lên. Tôi rất say sưa với trò này, chỉ tiếc là chơi không được lâu thì lại phải vào học. Chiều ba hoặc mẹ tôi tới đón, thường cho tôi ăn kem đậu xanh trước cổng trường. Cũng có khi ba mẹ bận thì chị tôi đón nhưng tôi không thích chị đón lắm vì không được ăn kem. Ôi, cây kem đậu xanh ngọt mát, dù nếu so với kem bây giờ nó chả là cái đinh gì nhưng hương vị tuổi thơ thì vẫn ngọt ngào quá đỗi.
Hai cô giáo lớp tôi thì một cô rất hiền - vì thế chúng tôi thấy cô dịu dàng xinh đẹp như cô tiên, còn một cô khá dữ - mà có thể hồi đấy người ta nghĩ đó là nghiêm khắc. Tôi may mắn có anh chị trên trông nom, lúc nào tóc tai cũng gọn gàng, móng tay móng chân cắt sạch sẽ, được dạy chữ dạy số ở nhà nên 5 tuổi là đọc sách làm toán cơ bản cũng thạo rồi, vì thế đi học cũng bình yên. Cô Huệ - cô giáo hiền như cô tiên được cả lớp rất thích. Cô hay đem cây đàn phong cầm (accordion) vào kéo cho cả lớp nghe. Những bản nhạc du dương cứ trầm bổng vang lên với những động tác kéo ra kéo vào làm tôi mê mệt. Tôi yêu âm nhạc từ những ngày thơ bé đó chăng?
Lớp tôi có bạn lớp trưởng rất to khỏe, lần nào đến giờ ăn cũng dành chén đẹp đũa đẹp làm nhiều bạn ấm ức mà không dám nói (cái này gọi là "đại bàng" nè :D). Tôi là thành phần ít va chạm vì nói chung cũng được cô cưng, ngày nào cũng cho cắm cờ, cuối tuần là vác phiếu bé ngoan về để ba tôi dán chi chít lên tường. Tuy vậy, có lúc lên cơn điên thì tôi cũng "gấu", dù người bé xíu xiu (hồi xưa còi mà, vào lớp 1 có 16kg thôi). Có một lần đang chơi xếp tàu, một bạn trai trong lớp cứ chờ xếp gần xong là đá tung tóe, nói rồi vẫn thế, tôi cáu, đứng phắt dậy oánh nó một trận. Thằng kia to hơn, nhưng có lẽ phần vì bất ngờ, phần thấy tôi dữ quá, nên không dám đánh lại mà khóc ầm lên. Cô Huệ tới dỗ nó rồi bảo tôi đánh bạn nên bị phạt, hôm nay là thứ 7 vẫn không phát phiếu bé ngoan dù cả tuần tôi ngoan. Tôi không phục, rõ ràng thằng kia phá đám trước. Tôi rút vào ngồi một góc, mẹ đến đón tôi nhất quyết không về, bảo chừng nào cô chưa phát phiếu bé ngoan thì tôi không về. Mẹ bảo vì tôi đánh bạn là không tốt, tôi cãi: "Tại nó phá đám trước con mới đánh. Sao giặc đến phá nước mình thì mình đánh lại, mà có đứa nó phá con lại không cho con đánh?" Mẹ tôi cười, cô cũng cười, cô bảo lần này cô cho phiếu bé ngoan, nhưng lần sau bạn sai thì con mách cô chứ đừng đánh bạn, lúc đó tôi mới chịu về.
Sau này, không ít lần đi ngang trường cũ, thấy trường được tân trang lại, đẹp đẽ và hiện đại hơn, tôi lại bồi hồi nhớ về trường mẫu giáo của tuổi thơ. Nhớ những buổi sáng sau giờ thể dục, những bàn tay bé xinh đưa lên miệng giả tiếng gà "ò ó o" rồi đi vào lớp, nhớ những hôm lễ hội chúng tôi được mặc áo đầm đỏ đồng phục của trường thật là thích, nhớ cả cổng trường sôi động giờ tan học - có bong bóng đủ màu, những xe kẹo bông, kẹo kéo và cả hương kem ngọt ngào.
Xem ti vi
Hôm trước ngồi "hoài cổ" về chiếc TV đen trắng nằm trong chiếc tủ gỗ có cửa và có chân, thấy nhớ quá mấy bộ phim một thời chết mê chết mệt, nhớ cả cái "văn hóa xem TV" của thời nghèo khổ.
Cho đến năm tôi học lớp 3 thì nhà mới sắm được cái TV đầu tiên, chính là cái TV đã kể trên, còn trước đó toàn đi xem nhờ nhà hàng xóm. Bây giờ thì nhà nghèo mấy cũng phải có TV chứ hổng có vụ xem nhờ này. Vì xem nhờ mà bọn trẻ con thường tụ tập tại một nhà sau bữa cơm, bàn tán đủ thứ chuyện linh tinh trước khi xem chương trình Những bông hoa nhỏ. Không có chuyện con nít ngồi ăn ê a để ba mẹ phải giục giã, vì ăn muộn là khỏi xem "Hãy đợi đấy" hay "Maika - cô bé từ trên trời rơi xuống"... Cứ đến 7h tối, sau lời giới thiệu của cô phát thanh viên, tiếng nhạc Những bông hoa nhỏ vang lên có một sức cám dỗ kỳ lạ, lôi kéo mọi sự chú ý của tất cả những ai không phải là người lớn. Nhạc hiệu chương trình chính là đoạn nhạc dạo đầu trong bài hát "Chim hót đầu xuân" của nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn, mời mọi người nghe lại:
Cho đến năm tôi học lớp 3 thì nhà mới sắm được cái TV đầu tiên, chính là cái TV đã kể trên, còn trước đó toàn đi xem nhờ nhà hàng xóm. Bây giờ thì nhà nghèo mấy cũng phải có TV chứ hổng có vụ xem nhờ này. Vì xem nhờ mà bọn trẻ con thường tụ tập tại một nhà sau bữa cơm, bàn tán đủ thứ chuyện linh tinh trước khi xem chương trình Những bông hoa nhỏ. Không có chuyện con nít ngồi ăn ê a để ba mẹ phải giục giã, vì ăn muộn là khỏi xem "Hãy đợi đấy" hay "Maika - cô bé từ trên trời rơi xuống"... Cứ đến 7h tối, sau lời giới thiệu của cô phát thanh viên, tiếng nhạc Những bông hoa nhỏ vang lên có một sức cám dỗ kỳ lạ, lôi kéo mọi sự chú ý của tất cả những ai không phải là người lớn. Nhạc hiệu chương trình chính là đoạn nhạc dạo đầu trong bài hát "Chim hót đầu xuân" của nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn, mời mọi người nghe lại:
Thời đó việc xem TV không có nhiều chọn lựa như bây giờ, nghĩa là có gì xem nấy, mà tối đài mới phát sóng cho mà xem. Chính vì vậy mà ngoài một buổi đi học, trẻ con có nguyên một buổi để học bài và vui chơi ngoài trời, hiếm có đứa trẻ nào béo phì hoặc thành "gà công nghiệp" vì ngồi lì trong nhà xem TV quá nhiều. Sân chung là chốn tụ tập với biết bao trò quỷ quái và những sáng chế cực sốc. Chuyện phim buổi tối cũng được đem ra tám ở đây. Xem đá bóng World Cup hay Euro thì toàn xem phát lại, mà hầu như ai cũng ủng hộ đội tuyển Liên Xô vì hồi đó Liên Xô tài trợ cho mà xem, Liên Xô bị loại thì khỏi xem luôn, hehe. Coi đá bóng trên TV đen trắng vui đáo để, hôm nào các đội mặc áo màu tương phản thì xem rõ, áo khác màu nhưng độ đậm nhạt tương đương thì căng mỏi mắt luôn. Sang thập niên 90, truyền hình VN phát sóng nhiều kênh và phát cả ngày, nhà nhà có TV màu để xem, thấy cứ như cuộc cách mạng về văn hóa tinh thần. Nhà tôi cũng giã biệt em Sanyo đen trắng chuyển sang em Panasonic màu có 14 inch - nhỏ xíu mà hồi đó thấy vậy là mãn nguyện lắm rồi, vì ít ra cái TV này có màu, có điều khiển từ xa và không phải vặn đủ thứ nút để chỉnh hình hay không phải "đập đập"... :D
Đã nói chuyện xem TV thì không thể không nhắc đến những phim hay của một thời. Rất nhiều bộ phim thời đó - cả phim thiếu nhi lẫn phim người lớn - đã trở thành một miền ký ức không thể xóa nhòa, tuy rằng nội dung không hẳn đều nhớ rõ nhưng ấn tượng đọng lại vẫn theo mãi cho tới bây giờ.
- Maika - Cô bé từ trên trời rơi xuống: Bộ phim khoa học viễn tưởng của Tiệp Khắc về cô bé ngoài hành tinh có đôi mắt lóe sáng này đã từng là niềm đam mê của không biết bao nhiêu trẻ nhỏ. Thời đó thì không sành điệu như bây giờ, kiểu như tung ra cả loạt thời trang và đồ chơi nhái theo phim Harry Potter, nhưng mà kiểu tóc Maika cũng được khá nhiều bé gái học theo. Sau này đọc báo mới biết tên Maika là không chính xác, đúng ra phải đọc là Mai-a (nguyên bản tiếng Tiệp là Maija) nhưng vì nó đã in sâu trong tâm trí cả một thế hệ nên hầu như ai cũng muốn gọi bằng cái tên quen thuộc: Maika.
- Hãy đợi đấy: Bộ phim hoạt hình Liên Xô về thỏ và sói này có thể nói là một cartoon kinh điển để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn trẻ nhỏ một thời, trước cả loạt phim Tom & Jerry hấp dẫn của Disney. Tuy rằng hình ảnh, màu sắc và kỹ xảo hồi ấy không sánh được với các phim hoạt hình sau này, nhưng những pha đấu trí thông minh và khôi hài trong phim vẫn cực kỳ lôi cuốn.
- Ma quỷ dưới bánh xe khổng lồ: Bộ phim hài của Đức vừa mang tính thần thoại vừa có chút kinh dị, bây giờ cũng không nhớ rõ nội dung chỉ nhớ hồi xưa rất khoái xem, xem đến đâu là cả bọn con nít cười ầm ĩ tới đó.
- Công chúa Arabela: Đây là phim cổ tích thời hiện đại của Tiệp Khắc (công nhận các bác Tiệp hồi đó có nhiều phim thiếu nhi hay ghê) kể về nàng công chúa Arabela chạy trốn tên phù thủy Rumburak từ thế giới cổ tích đến thế giới hiện đại. Truyện này tôi cũng đã từng đọc.
Không chỉ phim trẻ con, phim người lớn cũng rất hấp dẫn (mà suy cho cùng cái thời thiếu thốn ấy xem gì chả thấy hay), chẳng hạn như bộ phim Bulgaria Trên từng cây số từng là phim của một thế hệ - hay cả về nội dung lẫn giai điệu trong phim, hay phim Bạch tuộc của Ý về cuộc chiến khốc liệt chống lại mafia với nhân vật chính là thanh tra Cattani, cùng nhiều phim hay khác được chiếu suốt thập niên 80 đến đầu những năm 90 như Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân, Khi đàn sếu bay qua, Những đứa con của thuyền trưởng Grant, Sông Đông êm đềm, Tên trộm thành Baghdad, Cuốn theo chiều gió, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Tất cả các dòng sông đều chảy, Tình sử Angélique, Nô tì Isaura, Người giàu cũng khóc, Cánh đồng hoang, Chị Dậu, Bao giờ cho đến tháng 10, Biệt động Sài Gòn, Đến thượng đế cũng phải cười...
Không chỉ phim trẻ con, phim người lớn cũng rất hấp dẫn (mà suy cho cùng cái thời thiếu thốn ấy xem gì chả thấy hay), chẳng hạn như bộ phim Bulgaria Trên từng cây số từng là phim của một thế hệ - hay cả về nội dung lẫn giai điệu trong phim, hay phim Bạch tuộc của Ý về cuộc chiến khốc liệt chống lại mafia với nhân vật chính là thanh tra Cattani, cùng nhiều phim hay khác được chiếu suốt thập niên 80 đến đầu những năm 90 như Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân, Khi đàn sếu bay qua, Những đứa con của thuyền trưởng Grant, Sông Đông êm đềm, Tên trộm thành Baghdad, Cuốn theo chiều gió, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Tất cả các dòng sông đều chảy, Tình sử Angélique, Nô tì Isaura, Người giàu cũng khóc, Cánh đồng hoang, Chị Dậu, Bao giờ cho đến tháng 10, Biệt động Sài Gòn, Đến thượng đế cũng phải cười...
Chuyện làm thêm
Như những đứa trẻ cùng trang lứa khác, mỗi khi hè đến tôi rất thèm nước đá. Cứ nghĩ trời nóng nực, đi học đi chơi về được uống một ly đá chanh thì còn gì bằng. Vì thèm nước đá mà mong muốn nhà có cái tủ lạnh trở thành một khát khao cháy bỏng. Ba tôi trước khi chuyển sang ngành giáo dục thì làm phiên dịch cho Bộ ngoại giao nên cũng được đi nước ngoài vài chuyến, nhưng tính ba tôi tình cảm và lãng mạn, lại nhiều lý tưởng, nên trong những chuyến đi ấy toàn đem về đồ chơi cho con và đồ tặng vợ, hiếm có thứ gì nặng về vật chất. Ba mẹ tôi dành dụm mãi để mua tủ lạnh, mà chẳng biết bao giờ mới đủ vì cứ tiết kiệm đủ số thì giá tủ lạnh lại lên, hehe. Ba mẹ tôi liều vay thêm một ít mua chiếc Saratop nhỏ xíu - chắc tầm 120 lít trong tiếng vỗ tay hoan hô của mấy đứa con. Thế là từ giờ tôi được uống nước đá, được ăn kem đậu mẹ làm. Mà đúng ra, cái tủ lạnh có phải để phục vụ nhu cầu ăn đá lạnh của mấy đứa con thôi đâu, cũng chẳng cần dùng để bảo quản thức ăn vì hồi đó ngày nào chả đi chợ, mà cái chính là để làm yaourt, kem bỏ cho hàng quán.
Thời đó, những ai đi làm nhà nước chắc đều phải làm thêm vì lương không đủ ăn, huống chi nhà nào cũng 3-4 đứa con tuổi ăn học. Ba mẹ tôi cũng không phải là ngoại lệ. Thiên hạ làm thêm thứ gì, chắc nhà tôi cũng có đủ. Đến giáo sư còn nuôi heo thì cớ gì nhà tôi lại không nuôi heo? Chuối trồng trong vườn nhà thật là đa ứng dụng - hoa chuối để làm nộm, trái để ăn, thân thì cho heo. Mẹ tôi ngoài giờ đứng lớp còn làm thêm kem và yaourt để tôi mang ra bỏ mối cho quán. Tôi rất thích đi giao hàng, vì lúc đó tôi được vác xe đạp ra đi một vòng, dù từ nhà ra quán chỉ chừng trăm mét, hehe. Yaourt thời đó dĩ nhiên không có men xịn như Yogourmet bây giờ, cũng chả có máy hay nồi cơm điện, lò vi sóng..., mà toàn ủ nắng hay nước ấm, dẫu sao thì vẫn được cho là ngon. Đến mùa hè thì cả nhà bóc đậu phộng đến rộp cả tay. Cái giường được kê ra giữa sân, đậu phộng nguyên vỏ nhận về từng bao tải, người một cái kẹp ngồi bấm tách tách. Tuy thế, có những đêm trăng sáng, vừa làm vừa nghe kể chuyện cũng thấy vui. Chị lớn của tôi thêu tay rất đẹp, hồi học cấp III chị còn đi thêu đồ xuất khẩu. Nhờ chị dạy cho nên tôi cũng thêu đẹp. Còn nhớ năm học lớp 9, tôi học đội tuyển quốc gia, không tham gia chương trình ở lớp, cứ đến giờ kỹ thuật nữ công là bạn tôi đem nộp bài thêu của tôi - những món tự thêu ở nhà theo chủ đề cô đưa chứ không đến học tại lớp - mà cũng toàn được 10 điểm. Tiếc rằng bỏ bê lâu quá nên tôi không còn giữ được chút tài vặt ngày xưa. Chị thứ hai của tôi là đứa con mẫu mực trong nhà vì chăm làm chăm học, tính tình hiền dịu, đảm đang. Chị học rất giỏi, dệt cũng khéo. Chả biết mẹ tôi tha đâu về cái khung cửi cho chị dệt hàng. Anh tôi là con trai một nhưng cũng tham gia đủ món làm thêm của nhà, lại còn chia nhau nấu cơm với chị em nữa. Tôi thuộc thế hệ sau, lại có chút khiếu văn chương nên thời đi học cũng viết bài đăng báo - những tờ báo tuổi teen hồi đó như Áo trắng, Tuổi xanh, Hoa niên, Hoa học trò... đều có tên tôi, nên tôi cũng nhận được mấy đồng nhuận bút còm. :)
Nhà tôi ở gần sân vận động. Năm tôi khoảng 8-9 tuổi gì đó thì sân vận động nâng cấp thêm giàn đèn để đá đêm. Đá bóng ban đêm quả là một khái niệm mới mẻ lúc ấy, vì trước đó toàn đá ngày. Đêm đá bóng đầu tiên, dân tình nô nức kéo nhau đi xem, lũ trẻ con chúng tôi cũng chộn rộn cả lên. Dàn đèn bên sân vận động được bật sáng choang, rọi vào khu nhà tôi, làm cả khoảng sân sáng đến mức có thể đọc báo được. Đang hè, chúng tôi kéo hết ra ngoài chơi trốn tìm. Buồn cười nhất là tôi bắt được một đứa ngồi vắt vẻo trên cây chỉ nhờ ánh đèn xuyên qua bóng lá chiếu cái bóng nó lù lù in trên mặt đất. :D
Những buổi đá bóng đó làm chúng tôi nghĩ ra thêm việc để kiếm tiền. Số là thấy trước nhà mình người ta chăng dây giữ xe loạn xạ, một hôm có đứa đề xuất: "Người ta giữ được, sao tụi mình không giữ được?" Thế là mấy đứa rủ nhau giữ xe, cũng sắm phấn sáp trắng và làm mấy mảnh bìa vuông ghi số ký tên nhặng xị cả lên. Nhưng mà toàn con nít, ai dám đem xe vào gửi? Cả bọn huy động phụ huynh của một đứa ra làm "bảo kê". Bữa giữ xe đầu tiên thành công tốt đẹp, sau khi trừ tiền ăn quà trong buổi giữ đứa nào cũng rủng rẻng kha khá mang về. Tuy vậy, trò này chỉ diễn ra được vài buổi là phải ngưng. Người lớn không cho phép bọn trẻ con chúng tôi kiếm tiền giữa chốn chợ đời khi còn nhỏ như vậy.
Tuổi thơ thật nhiều chuyện đáng nhớ, từ chuyện canh ăn trộm đến những trò nghịch ngợm động trời, chuyện khu nhà đầy cây xanh và những người bạn hàng xóm của tôi... nhưng không thể nào viết tiếp trong một bài nên đành hẹn phần sau vậy. Đôi khi tôi vẫn thầm tiếc cho những đứa trẻ bây giờ vì đã không được chơi những trò ngày xưa chúng tôi vẫn từng chơi - phải nói là: sôi động, sáng tạo và lý thú.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét