Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Cải thiện tình trạng hấp thu kém của bé

Hấp thu kém là một trong những nguyên nhân khiến bé chậm lớn. Có nhiều bé ăn uống rất giỏi nhưng vẫn gầy yếu là do cơ thể kém hấp thu dinh dưỡng, ăn nhiều mà hổng dung nạp được bao nhiêu.

Thông thường, trẻ hấp thu kém thường bị quy kết là do thể tạng, tuy nhiên, thực ra có nhiều nguyên nhân khiến bé hấp thu kém, cả khách quan lẫn chủ quan (nhiều khi là do lỗi của người lớn nữa). Xác định được đúng nguyên nhân thì mới tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp.

1. Thiếu cân bằng dinh dưỡng

Đọc truyện "Tottochan: Cô bé bên cửa sổ", mình rất thích chi tiết thầy hiệu trưởng Kobayashi dặn các em học sinh phải chuẩn bị khẩu phần ăn có cả món của đất và của biển - quả là một bài học đơn giản, dễ nhớ giúp các bé có được nhận thức ban đầu về sự cân bằng dinh dưỡng. Là mẹ, chúng ta cần phải mở rộng hiểu biết về một thực đơn lành mạnh và cân đối. Điều này rất quan trọng, vì nếu tỷ lệ các dưỡng chất không hợp lý thì bé dễ rơi vào tình trạng gầy yếu hoặc béo phì, sức đề kháng bị sụt giảm.

Rất nhiều bé bị hấp thu kém không phải do bẩm sinh mà do khẩu phần ăn thiếu cân bằng, thừa chất này và thiếu chất khác. Tình trạng này thường xuyên xảy ra không hẳn do mẹ không có kiến thức về điều này, mà do bé không chịu hợp tác, bé ăn theo sở thích bất hợp lý ngoài vòng kiểm soát của ba mẹ, hoặc bé ăn chung với thực đơn có phần tùy tiện của người lớn. Vì thế, mình muốn nhấn mạnh rằng: để bé có một chế độ ăn lành mạnh thì ba mẹ phải làm gương trước. Không thể nào ba mẹ ăn uống ẩu tả mà cứ hò hét bé phải theo chuẩn mực. Hơn nữa, chế độ ăn hợp lý là tốt cho cả gia đình chứ không phải chỉ cho riêng bé.

Một bữa ăn cân đối cần để giúp bé phát triển cả thể chất và trí tuệ phải bao gồm 4 nhóm thực phẩm sau:

- tinh bột
- đạm
- chất béo
- vitamin và khoáng chất

Với những bé hấp thu kém, cần phải đặc biệt chú ý đến việc điều chỉnh hàm lượng chất béo và vitamin, khoáng chất trong khẩu phần hàng ngày.

Thực tế thì nhiều bé được mẹ chuẩn bị bữa ăn rất chu đáo nhưng lại thiếu hợp tác, chẳng hạn rất ghét ăn cá, ăn rau, chỉ thích ăn trứng và 10 ngày liên tục vẫn chỉ đòi ăn trứng. Trong trường hợp này, mẹ nên linh hoạt tìm ra các chiêu đánh vào tâm lý của bé. Hãy kể cho bé những câu chuyện hay, cho bé tham gia chuẩn bị bữa ăn và đặc biệt là cho bé hòa nhập đời sống thiên nhiên càng nhiều càng tốt. Mùa hè cho bé đi chơi tẹt ga, về quê xem nông dân trồng rau thế nào, đi biển tắm táp thỏa thích rồi vào làng chài chọn những món hải sản tươi mới. Hãy cho bé tiếp cận thực tế và kể những câu chuyện hay về động thực vật cũng như vai trò của chúng đối với sức khỏe con người, nhớ là kể bằng ngôn ngữ dễ hiểu và ngộ nghĩnh chứ đừng chứa đầy kiến thức cao siêu bé không tiếp thu nổi. Sự tiếp cận thực tế một cách thú vị vừa giúp bé trau dồi kiến thức, tự tin năng động, vừa đem lại cho bé sự hào hứng tận hưởng bữa ăn phong phú.

2. Ít vận động

Nhiều mẹ rất chú trọng đến việc ăn ngủ của con mà quên mất một điều là bé cần vận động. Cũng có người quan niệm rằng: dư cân mới cần vận động, chứ gầy thế vận động để gầy thêm à!!! Thực tế thì ít vận động cũng dẫn đến tình trạng hấp thu kém khiến bé chậm lớn. Điều cần nhớ là vận động phải đi kèm với chế độ ăn hợp lý. Ngoài việc vận động giúp bé mau đói, có nhu cầu ăn nhiều và ăn ngon miệng, vận động còn giúp hấp thụ canxi tốt hơn để kích thích tăng trưởng chiều cao. Vận động đòi hỏi cơ thể phải nạp thêm năng lượng, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và chuyển hóa thức ăn.

Vận động cần thiết cho cả trẻ con lẫn người lớn, và thật sai lầm khi cho rằng trẻ sơ sinh không cần vận động. Khi bé còn quá nhỏ, hãy massage hàng ngày cho bé, giúp bé tập thể dục nhẹ nhàng, vận động trong nước, chơi các trò chơi phát triển kỹ năng vận động... Bé lớn hơn hãy cho ra sân chơi cùng các bạn, cho đi bơi hàng tuần, chơi thể thao, đạp xe đạp..., đừng có để bé ngồi lì trong nhà với cái TV. Bé có ra ngoài vận động thì cơ thể mới khỏe khoắn cân đối, ăn uống ngon miệng, hấp thu tốt, tâm hồn khoáng đạt và năng động, tự tin, mở mang kiến thức...

Thỉnh thoảng, ba mẹ hãy bớt chút thời gian để cùng con chơi những trò ngày xưa của mình như nhảy dây, lò cò, trốn tìm (chỗ mình ở có trò năm mười banh), tạt lon, bắn bi, thả diều... Đứa trẻ nào cũng thích được chơi như ba mẹ đã từng chơi thời nhỏ. Không biết mọi người nghĩ sao, chứ mình thấy những phút giây như vậy rất thú vị. Người lớn thì xin được "một vé đi tuổi thơ", trẻ con thì phấn khởi hào hứng, tình cảm gia đình lại thêm gắn bó.

Trước đây nhà mình ở khu trung tâm, đi đâu cũng tiện. Thế rồi mình quyết định chuyển nhà sang Thủ Đức, tuy cũng chỉ mất 5km để vào Q1 nhưng nhiều người vẫn thắc mắc vì cái vụ "dời đồng bằng lên núi" này, hehe. Mình thì vẫn thấy đó là quyết định đúng, vì công việc của vợ chồng mình khá căng thẳng nên mình cần một môi trường gần gũi với thiên nhiên để tĩnh tâm, thư giãn; hơn nữa khu mình ở có công viên rộng, đầy đủ hồ bơi và khu vui chơi trẻ em, các con của mình có không gian để chạy nhảy, vận động và vui chơi hàng ngày. Như vậy, xa một chút có là gì.

3. Rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa xảy ra khi cơ thể thiếu cân bằng vi khuẩn đường ruột, và tình trạng này kéo dài sẽ gây nên tình trạng hấp thu kém ở bé. Chúng ta biết rằng không phải mọi vi khuẩn đều có hại. Chính hệ vi khuẩn có lợi ở đường ruột giúp cơ thể tiêu hóa tốt thức ăn, đào thải các chất độc và thúc đẩy quá trình tổng hợp vitamin cũng như các chất nội tiết, nhờ đó tăng sức đề kháng và kích thích tăng trưởng. Bé bị rối loạn tiêu hóa do nhiều nguyên nhân: ăn uống không đảm bảo vệ sinh, thức ăn chứa nhiều chất bảo quản và độc tố, dùng thuốc kháng sinh kéo dài, bị nhồi nhét ăn uống quá mức khi cơ thể đang mệt mỏi...

Với tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm đang ở mức báo động, ba mẹ cần lưu ý lựa chọn nguồn cung cấp thực phẩm tốt, uy tín và an toàn cho con. Ngoài ra cho bé ăn yaourt hàng ngày, sử dụng các vật dụng ăn uống an toàn, dạy bé kỹ năng chọn thức ăn và xem HSD, không nên ép bé ăn quá nhiều khi đang ốm. Nếu tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài, hãy quan sát thật kỹ các triệu chứng của bé để nhờ BS tư vấn và cho bổ sung men vi sinh phù hợp.

4. Cơ thể thiếu enzym kích thích tiêu hóa

Có nhiều bé do bẩm sinh, do cơ thể còn yếu ớt sau khi bệnh hay do chế độ ăn không hợp lý mà cơ thể thiếu những enzym cần thiết để thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thu, về lâu dài nếu không được khắc phục sẽ dẫn đến chậm lớn. Enzym cũng có nhiều loại để giúp chuyển hóa tinh bột, đạm hay chất béo; thiếu hụt enzym nào đó cũng như thiếu một mắt xích quan trọng khiến bộ máy tiêu hóa bị ngừng trệ hay lệch lạc. Trong trường hợp này, cần cho bé đi khám để BS có giải pháp bổ sung men tiêu hóa hoặc kết hợp các loại men vi sinh, tiêu hóa cần thiết giúp bé tăng khả năng hấp thu. 

Một điều cần lưu ý là rất nhiều người nhầm lẫn hoặc đồng nhất men vi sinh với men tiêu hóa. Men vi sinh chứa các vi khuẩn có ích giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, ngăn ngừa các bệnh đường tiêu hóa; còn men tiêu hóa cung cấp enzym cần thiết để tiêu hóa tinh bột, đạm hay chất béo tùy nhu cầu riêng của cơ thể. Do đó, để thu được kết quả tốt nhất thì ba mẹ phải hợp tác chặt chẽ với bác sĩ, mô tả càng cụ thể và chính xác càng tốt, tránh nói kiểu chung chung: "bé ăn nhiều mà sao hổng lớn".

Cuối cùng, mình nhấn mạnh lại vài điểm cần lưu ý trong chế độ ăn uống và sinh hoạt của bé hấp thu kém:
  • Cho bé ăn yaourt hàng ngày, đồng thời tăng cường ăn đu đủ, dứa (thơm), giá, gừng, các loại hạt, đậu...
  • Với bé trên 1 tuổi, hãy cho bé uống sữa tươi thay vì sữa công thức. Sữa công thức tuy nhiều năng lượng nhưng khó dung nạp đối với trẻ kém hấp thu. Uống sữa tươi giúp bé tiêu hóa tốt hơn, hấp thu nhiều dưỡng chất hơn.
  • Đảm bảo bé nạp đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
  • Cho bé phơi nắng và vận động hàng ngày. Nếu có điều kiện, hãy thường xuyên cho bé đi bơi, ít nhất mỗi tuần một lần.
  • Cung cấp bữa ăn cân bằng dinh dưỡng và dạy cho bé ý thức ăn uống lành mạnh.
  • Can thiệp ngay khi bé có triệu chứng rối loạn tiêu hóa hoặc thiếu enzym dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét