Biếng ăn là một trong những nguyên nhân chính khiến bé chậm lớn. Thật kỳ lạ là xã hội ngày càng phát triển thì tình trạng biếng ăn ngày càng nhiều. Ngày xưa, hiếm có đứa trẻ nào biếng ăn, trừ những bé có vấn đề sức khỏe, còn bây giờ, đi đâu cũng nghe "kíu kíu, con em biếng ăn..."
Xin nói thẳng là có nhiều trường hợp bé chẳng biếng ăn gì hết, chỉ có ba mẹ nghĩ bé biếng ăn và ép bé ăn thôi. Điều này thật tai hại, vì nó có thể khiến bé biếng ăn thực sự hoặc bé nào dễ dàng chấp nhận thì lại bị dư cân. Số liệu chuẩn về cân nặng chiều cao của bé đầy ra đấy, vậy mà không ít người mong muốn, khao khát và tự hào khi cân nặng của con mình cao hơn chuẩn, không hiểu để làm gì?
Nhưng cũng nhiều trường hợp bé biếng ăn thật thì cần phải có biện pháp khắc phục, đừng để bé rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài rất khó vực lên. Biếng ăn không chỉ ảnh hưởng xấu đến thể chất và sức khỏe của bé, mà còn kéo theo những sai lệch về nhận thức, tâm lý, hành vi và tính cách của bé. Để khắc phục chứng biếng ăn hiệu quả, trước hết phải xác định đúng nguyên nhân. Biếng ăn cũng có nhiều loại: biếng ăn tâm lý, biếng ăn sinh lý và biếng ăn bệnh lý.
1. Biếng ăn tâm lý
Đây là nguyên nhân thường gặp nhất ở các trẻ biếng ăn, nói thẳng ra là bé chẳng có vấn đề gì về sức khỏe hết nhưng bé ghét ăn, sợ ăn. Khi bé đã như vậy, mẹ càng ép bé thì bé càng thêm ghét, thêm sợ. Kết cục là: mẹ thì hò hét, căng thẳng, con thì lo sợ, lì lợm còn chén cơm/cháo thì vẫn còn nguyên.
Để khắc phục chứng biếng ăn cũng phải có "bí kíp". Nói vui nhé, ngày xưa các bạn sáng tạo thế nào khi chinh phục tình yêu của người bạn đời thì giờ cũng cố mà sáng tạo để bé yêu bữa ăn của mình. Sai lầm của nhiều mẹ là đã xác định sai đối tượng cần thu hút (chẳng hạn không làm cho bữa ăn hấp dẫn mà lại mua vui bé bằng cách cho xem ti vi, đi rong...), thế có khác nào đang chinh phục chàng mà cứ đẩy chàng đến với cô hàng xóm xinh đẹp không cơ chứ, hehe.
Vì vậy, nguyên tắc cơ bản cần ghi nhớ là: lấy bữa ăn làm đối tượng chính cần thu hút để khuyến khích bé thèm ăn
Thay vì ép bé ăn, hãy khuyến khích bé thèm ăn. Muốn vậy thì bạn phải hướng sự chú ý và tập trung của bé vào chính bữa ăn. Điều này thật dễ hiểu: khi bé vừa ăn vừa chơi hoặc xem tivi, bé bị phân tán tư tưởng và không nhận thức được ăn là việc cần làm của bé, bé sẽ sinh thói nhõng nhẽo và lệ thuộc vào những trò vui. Việc bé há miệng một cách thụ động và thiếu tập trung cũng khiến bé không tiết được dịch vị cần thiết giúp ăn uống ngon miệng. Ngược lại, khi bé thấy bữa ăn của bé hấp dẫn, bé sẽ dồn hết tâm trí vào đó, não bé điều khiển các giác quan hoạt động: mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi, tay sờ, lưỡi nếm; bộ máy tiêu hóa của bé cũng tiết ra chất men cần thiết giúp bé dễ tiêu, ăn uống ngon miệng hơn. Sau đây là một vài chiêu để dụ bé tập trung vào bữa ăn của mình:
- Chuẩn bị món ăn trông ngon lành, nhiều màu sắc: có thể kết hợp các tông màu khác nhau của thức ăn như màu đỏ của cà chua, màu xanh của rau, màu cam của cà rốt... để bữa ăn thêm hấp dẫn. VD: Nếu bạn nấu một món cháo có thịt màu trắng như cháo ếch, bạn có thể thêm sắc xanh đậm của rau mồng tơi và trộn muỗng dầu gấc màu cam. Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị những vật dụng ăn uống xinh xắn mà bé yêu thích để thu hút sự chú ý của bé.
- Để bé chủ động khám phá: đây là điều bé có thể phát huy tối đa khi theo phương pháp ăn dặm Baby Led Weaning. Nếu bạn đút bé theo cách truyền thống, thì hãy cầm muỗng chuyển động trước mắt bé để bé quan sát rồi mới đút, và từng bước tập cho bé tự xúc cho dù bé có làm đổ nhoe nhoét (cứ sắm cho bé cái yếm nhựa, dùng xong đem vô bồn xả lại sạch).
- Khi bé lớn hơn một chút, hãy kể cho bé nghe những câu chuyện ngộ nghĩnh mà thức ăn là nhân vật chính, có tính cách hẳn hoi. VD: bạn cà chua xinh đẹp, da dẻ đỏ hồng nhưng hơi chua, tuy vậy nếu nhai kỹ thì sẽ thấy bạn ấy cũng có vị ngọt đấy (bạn ấy chỉ ngọt ngào đối với ai quan tâm đến mình thôi); hay bạn cá có vị đậm đà của biển và bạn này sẽ giúp con thông minh hơn; bạn cà rốt có áo cam sặc sỡ quá đi mất, bạn này giúp cho đôi mắt sáng và long lanh xinh đẹp như chú thỏ kia vậy...
- Cho bé tham gia bữa cơm gia đình. Bé đang ở độ tuổi học hỏi và khám phá, nên bé rất thích bắt chước người lớn, bé cũng muốn được chứng tỏ mình lớn rồi, vì thế hầu như bé nào cũng hào hứng khi được ăn cùng gia đình. Ở bàn ăn, bé có thể quan sát được mọi người ăn như thế nào và ăn cái gì, từ đó bé cũng dần học được kỹ năng ăn. Khi ăn chung với mọi người, bé thấy mình rất oai, mình không phải là cái đứa nhỏ nhít mà mẹ cứ dí một góc nhà ngồi ăn riêng nữa. Thói quen của nhiều gia đình là mẹ cho bé ăn riêng, như thế vừa không tạo điều kiện cho bé bắt chước, vừa làm bé cảm thấy mình là "cái rốn của vũ trụ" và đồng thời ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của cả nhà nữa. Cho dù theo phương pháp ăn dặm nào thì bé cũng có thể tham gia cùng gia đình từ khi biết ngồi. Ngay cả khi mọi người dùng cơm còn bé ăn cháo riêng, thì mẹ cũng có thể cho bé ngồi ghế bên bàn ăn, mẹ vừa ăn vừa đút cho bé, để bé chứng kiến không khí sôi động của bữa ăn và không mất tập trung vào thứ gì khác.
- Tạo điều kiện cho bé góp phần chuẩn bị bữa ăn. Ai cũng trân trọng thành quả lao động của mình cả và bé cũng vậy. Khi bé được 2 tuổi, hãy cho bé ngồi vặt rau, rửa củ quả... cùng mẹ. Nếu nhà có trồng rau sạch, hãy cho bé tham gia chăm sóc, tưới bón. Bé vừa được dạy tính tự lập vừa thấy hào hứng hơn khi ăn những thứ bé tham gia làm ra. Bé sẽ chăm ăn rau vì đó là rau bé trồng, bé rửa... Bé cũng cố gắng ăn nhiệt tình để chứng tỏ là những món này "nhờ mình" mà rất ngon. VD cụ thể: bé rất lười ăn cá, mẹ hỏi: "sao con lại ghét ăn cá vậy?" "Vì cá nó dở". "Ôi, không phải rồi. Con cá sống dưới nước, suốt ngày bơi lội tung tăng rất vui, thịt nó ngon lắm và nó còn giúp con thông minh, khỏe mạnh nữa. Nhưng chắc là tại mẹ không biết nấu sao cho ngon. Hay là cho bày cho mẹ cách nấu ngon đi." Có thể bé bảo bé không biết, nhưng mẹ khuyến khích bé suy nghĩ. Và có thể bé sẽ đưa ra một công thức rất ngộ nghĩnh để chế biến món cá, không sao cả, mẹ cứ gật gù làm theo (mặc dù mẹ vẫn âm thầm chế biến theo ý mẹ). Khi cá đã chín, mẹ nếm thử và trầm trồ quả là nấu theo cách của bé ngon thật. Bé vừa tò mò vừa thú vị và dĩ nhiên bé không thể không ăn vì không muốn chối bỏ thành quả của mình, thậm chí còn ăn hăng hái để "chứng tỏ cho cả thế giới biết mình là đầu bếp cừ khôi".
- Đổi cách ăn cho bé nếu bé luôn tỏ ra cự tuyệt. Nếu đã làm đủ mọi cách mà bé vẫn phun, vẫn ngậm, vẫn mím miệng không ăn, thì hãy thử đổi phương pháp ăn dặm. Có thể bé không thích cái cách mẹ vẫn đút thức ăn mềm nữa mà muốn khám phá thức ăn thô hơn, bé được chủ động hơn. Baby Lead Weaning là một gợi ý hay cho bé.
2. Biếng ăn sinh lý
Trong những năm đầu đời, bé có một số giai đoạn biếng ăn sinh lý và điều đó thường xảy ra khi bé chuyển sang một mốc phát triển mới, học hỏi một kỹ năng mới. Bé thường có triệu chứng lười bú, lười ăn khi ở giai đoạn tập lật, tập bò, tập đi, mọc răng... Bạn không cần quá lo lắng về điều đó. Rồi bé sẽ ổn định trở lại trong vòng 2 tuần. Khi bé biếng ăn sinh lý, đừng cố ép bé ăn mà chịu khó thay đổi khẩu phần, nương theo nhu cầu của bé, chấp nhận bé ăn ít một chút cũng chẳng sao.
3. Biếng ăn bệnh lý
Khi bé thấy cơ thể mệt mỏi hoặc có vấn đề về sức khỏe thì lẽ đương nhiên bé không muốn ăn uống gì cả. Không riêng gì bé, cả người lớn cũng vậy thôi. Để khắc phục tình trạng biếng ăn của bé thì trước hết phải trị dứt điểm sự khó chịu trong người bé.
- Bé bị viêm họng: viêm họng làm bé mệt, bé ho, cổ họng có đàm nhớt khiến bé không thiết ăn gì và ăn vào rất dễ ói. Ví vậy cần chú ý giữ gìn cổ họng cho bé. Khi trời trở lạnh hoặc bé bắt đầu có triệu chứng khọt khẹt, hãy xức dầu baby giữ ấm ngực, tối ngủ đeo vớ giữ ấm chân, pha vào nước tắm của bé chút tinh dầu tràm hoặc lát gừng. Với bé lớn hơn, hãy cho bé súc nước muối thường xuyên vào buổi sáng và tối. Mình thường mua sẵn chai nước muối 0,9% (loại 500ml dùng để súc họng chứ không phải chai nhỏ mắt mũi bé xíu) để cả nhà dùng. Nếu bé bị viêm họng nặng hơn và dùng các liệu pháp thiên nhiên (như siro, chanh mật ong, gừng...) vẫn không khỏi thì phải đưa đi bác sĩ để dùng thuốc phù hợp.
- Bé bị táo bón: cho bé ăn nhiều chất xơ, rau quả, uống thêm nước. Tuy nhiên, cần lưu ý là với bé nhỏ, việc uống thêm nước đồng nghĩa với giảm sữa vì bụng bé chỉ nạp được bao nhiêu đó thôi, vì vậy với bé chậm lớn đang tuổi uống sữa là chính thì không cho thêm nước mà cho bé ăn mận nghiền (mận Tây chứ không phải mận VN) để trị táo bón và duy trì thực đơn giàu chất xơ.
- Bé sốt, khó chịu: một giải pháp an toàn để làm bé dịu bớt cơn sốt, tránh bứt rứt khó chịu, ngủ ngon giấc hơn là massage cho bé với tinh dầu cúc la mã. Tinh dầu cúc la mã rất tốt cho sức khỏe của mẹ và bé, nói rộng ra là cả gia đình, với tác dụng chính là kháng viêm, giảm đau, trị côn trùng đốt, hạ sốt, chống cảm lạnh, kích thích tiêu hóa, giảm căng thẳng, tăng cường sinh lực. Thường xuyên massage cho bé bằng tinh dầu cúc la mã hòa tan trong dầu jojoba giúp bé ăn ngon, ngủ yên, giảm những khó chịu trong thời kỳ mọc răng, khi bé sốt thì chấm một chút tinh dầu cúc la mã hòa tan xoa nhẹ vào lòng bàn chân và bàn tay của bé. Mình thì chỉ có nhu cầu massage chứ không xông phòng nên dùng loại tinh dầu cúc la mã chiết 10% trong jojoba rất tiện, nếu nổi hứng xông phòng thì mình thích tinh dầu vỏ cam có mùi hương thanh mát nhẹ nhàng sảng khoái chứ không mê mấy thứ nồng nàn như hồng, oải hương...
- Bé hay ói: nếu bé ói thường xuyên và ói nhiều thì phải cho đi bác sĩ kiểm tra xem bé có bị trào ngược thực quản, hẹp môn vị hay bệnh lý nào không để chữa trị sớm.
4. Một số sai lầm của người lớn
Những sai lầm này thuộc dạng "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng sao vẫn thấy thường xuyên xảy ra, kỳ ghê:
- Có tâm lý thích con ăn nhiều và ép con ăn bằng mọi giá
- Cho bé chơi bời, đi rong trong khi ăn làm bé mất tập trung và nhiễm thói quen xấu
- Pha thuốc vào sữa, đồ ăn khiến bé "cảnh giác" và sợ ăn
- Cho bé ăn xay quá nhiều, trộn lẫn các thức ăn vào nhau khiến vị giác không được kích thích nhiều và tạo cảm giác nhàm chán
- Cho bé ăn vặt trước bữa chính
- Chấp nhận cho bé vừa ăn vừa uống nước: điều này tạo cảm giác no giả tạo, nước làm loãng dịch dạ dày và giảm men tiêu hóa khiến bé khó tiêu.
- Ít cho bé vận động: bé vận động hợp lý không chỉ giúp cơ thể cân đối, khỏe mạnh mà còn giúp bé ăn uống ngon miệng hơn. Bơi lội là một môn thể thao hữu ích giúp bé ăn ngon, phát triển chiều cao và rèn luyện kỹ năng sống. Đừng tưởng bé nhỏ thì không tập bơi được nhé. Kitty nhà mình được xông pha trong nước với đủ tư thế khi mới có vài tháng tuổi. Để khi nào rảnh mình sẽ viết riêng một bài về vụ bơi lội dành cho bé.
Bài sau mình sẽ nói tiếp đến trường hợp bé ăn được nhưng vẫn chậm lớn do tình trạng kém hấp thu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét