Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Tăng sức đề kháng cho bé

Con bệnh thì rất khổ - hẳn là ai cũng công nhận như vậy. Không có gì quý bằng sức khỏe, bé bệnh vừa tội cho bé, vừa mệt mình, có ăn uống giỏi bao nhiêu mà bệnh là sụt ký cái vèo. Bởi vậy, việc tăng cường sức đề kháng cho bé trên mọi phương diện để bé giảm nguy cơ nhiễm bệnh là điều hết sức cần thiết. Mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm và kiến thức về việc tăng cường hệ miễn dịch. Những điều này trước khi áp dụng cho các con mình, mình cũng đã tham khảo rất nhiều tài liệu và cả ý kiến các bác sĩ nhi khoa.

1. Dạy bé các thói quen tốt để bảo vệ sức khỏe

Hơn ai hết, chính các bé phải ý thức được cần bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình, bắt đầu từ những điều bình thường nhất trong sinh hoạt hàng ngày. Muốn vậy, ba mẹ phải dạy bé từ thuở còn thơ. Tất nhiên, dạy cho bé là cả một nghệ thuật. Không phải cứ đơn giản đọc ra rả các lợi ích phòng bệnh mà bé chịu nghe và hiểu được. Phải nhẹ nhàng, kiên nhẫn và có "bí kíp". Hãy giúp bé thấy lợi ích của việc duy trì một cơ thể khỏe mạnh qua những tình huống hết sức thực tiễn: nếu có sức khỏe, con có thể chạy chơi ngoài công viên, có thể theo ba mẹ đi tắm biển, có thể chiến thắng rất oai trong các trò chơi với bạn bè...

Và đây là những thói quen tối thiểu bé cần phải có để tự bảo vệ mình:

- Súc miệng bằng nước muối mỗi ngày: Điều này sẽ giúp bé bảo vệ răng miệng lẫn cổ họng, ngăn ngừa và đẩy lùi mọi bệnh tật đường hô hấp.

- Đánh răng mỗi ngày 3 lần: Dĩ nhiên, không cần phải giải thích dài dòng "đánh để làm gì". :D

- Rửa tay: Trước và sau khi ăn, hoặc bất cứ lúc nào bị lấm lem, nghịch bẩn xong... bé đều phải tự giác đi rửa tay. Hãy dạy bé làm điều đó như một bản năng để giảm thiểu đáng kể sự xâm nhập của vi trùng từ nhiều con đường.

- 10 phút buổi sáng vận động cơ thể và hít thở không khí trong lành: Điều này giúp bé thêm năng lượng cho một ngày mới, làm ấm cơ thể và thư giãn tinh thần.

- Ngủ đủ và đúng giờ: Giấc ngủ rất quan trọng cho sức khỏe và sự phát triển của bé. Bé nên được ngủ trưa đều đặn và ngủ đủ giấc, tròn giấc vào buổi tối. Thực tế là rất nhiều bé lười ngủ nên mẹ phải hỗ trợ thêm cho bé.

2. Cung cấp thực phẩm tăng cường sức đề kháng

Bên cạnh việc ăn uống theo một chế độ cân bằng dinh dưỡng, mẹ nên lưu ý cho bé bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ hệ miễn dịch, đặc biệt là vào những thời điểm nhạy cảm như thay đổi khí hậu, cơ thể yếu ớt... Dưới đây là một số thực phẩm giúp bé tăng sức đề kháng.

- Nước gà: Đây là một nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho bé đồng thời rất tốt cho hệ hô hấp. Thành phần cysteine trong nước gà có tác dụng chống ôxi hóa, kích thích tế bào bạch cầu trong hệ miễn dịch, đánh tan các chất đàm nhớt trong hệ hô hấp. Nên cho bé dùng nước gà để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh đồng thời giải cảm, phục hồi sức khỏe nếu bé lỡ mắc bệnh. Nhà mình tuần nào cũng mua ít nhất một con gà luộc lấy nước và bảo quản đông trong hộp thức ăn chuyên dùng cho bé để chế biến thành súp, canh măng tây... hay uống dần. Kitty từ 6 tháng tuổi đến giờ mỗi ngày được uống 30ml nước gà hoặc ít nhất 2-3 ngày một lần.

- Dưa hấu: Dưa hấu rất giàu vitamin C (tương đương cam) đồng thời lại giàu beta-carotene hơn cả cam. Cả hai loại vitamin và tiền chất này đều hỗ trợ tốt cho hệ miễn dịch. Dưa hấu cũng có khả năng kháng sốt cao. Cho bé ăn dưa hấu hoặc uống nước ép dưa hấu là một cách đơn giản giúp bé tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ sốt. Với những trẻ bú mẹ, vào thời điểm bé đi chích ngừa mẹ có thể ăn dưa hấu 3 ngày liên tục và cho bé bú bình thường, bé sẽ giảm nguy cơ sốt rất nhiều. Một điều đáng lưu ý là ở Việt Nam, rất nhiều dưa hấu bị bơm thuốc kích thích, vì thế nên chọn mua dưa ở các cửa hàng rau sạch có uy tín để bảo vệ sức khỏe của bé.

- Thực phẩm giàu chất xơ hòa tan: Chất xơ hòa tan có nhiều trong cam quýt, cà rốt, táo và các loại đậu đóng vai trò quan trọng trong việc chống viêm nhiễm. Vì thế hãy bổ sung các loại trái cây này (có thể dùng dạng thô hoặc nước) và chế độ ăn hàng ngày của bé. Với bé nhỏ dưới 1 tuổi, không nên cho dùng nhiều nước có vị chua vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa còn non nớt, thay vào đó cho bé dùng táo, đậu và yến mạch.

- Tỏi: Ai cũng biết tỏi phòng ngừa và điều trị cảm cúm cũng như các chứng bệnh đường hô hấp rất tốt nhưng vấn đề nan giải là các bé lại không thích ăn tỏi. Vì vậy hãy cố gắng chế biến những món ngon ngon mà bé thích và kết hợp tỏi để giúp bé tận dụng nguồn kháng sinh thiên nhiên này.

- Thực phẩm giàu kẽm: Kẽm đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển và tăng cường hệ miễn dịch của bé, nhưng thực tế là trẻ em VN rất hay bị thiếu kẽm. Kẽm có nhiều trong hàu, sò, đậu Hà Lan, thịt bò, đậu nành... Hãy cho bé ăn hải sản để bổ sung canxi và kẽm tự nhiên.

- Sữa chua: Đây là món ăn không chỉ ngon mà còn tốt với tác dụng cân bằng hệ vi sinh đường ruột và tăng sức đề kháng. Hãy cho bé ăn sữa chua hàng ngày, đặc biệt là sữa chua giàu probiotics - mình sẽ nói rõ hơn về probiotics ở phần dưới vì khả năng tăng cường hệ miễn dịch rất tốt của nó.

3. Bổ sung probiotics vào chế độ ăn hàng ngày

Lợi khuẩn probiotics đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc ổn định hệ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch. Những vi khuẩn có ích này khi hiện diện trong đường ruột sẽ thực hiện chức năng trung hòa hệ vi khuẩn đường ruột, điều hòa các chức năng tiêu hóa như chống tiêu chảy, táo bón, nôn trớ..., ức chế hoạt động của vi khuẩn có hại và tăng cường miễn dịch cho toàn cơ thể. Vì vậy, rất rất nên cho bé dùng các thực phẩm lên men có bổ sung probiotics mà lý tưởng nhất là sữa chua vì đây là món vừa ngon vừa bổ. Để hiệu quả thì probiotics phải được bảo đảm là vi khuẩn sống. Trong khi ở các nước Âu Mỹ, các sản phẩm sữa chua cho trẻ em rất được chú ý bổ sung probiotics thì sữa chua ở xứ mình vẫn chưa khai thác triệt để tính ưu việt này. Đó cũng là lý do mà mình tìm mua bằng được men sữa chua bổ sung probiotics để tự làm yaourt cho con, đảm bảo nguồn vi khuẩn sống có lợi giúp tăng sức đề kháng. Hơn nữa, cho bé dùng sữa chua tăng cường probiotics còn giúp cơ thể bé cân đối dưỡng chất, vitamin và khoáng chất, kìm hãm sự phát triển của mầm bệnh và hạn chế tiêu chảy nếu chẳng may phải dùng kháng sinh.

Đây là men làm sữa chua có tăng cường lợi khuẩn Probiotics (gồm L. Casei, B. Longum, L. Bulgaricus, S. Thermophilus, L. Acidophilus) mà mình dùng để làm yaourt cho gia đình. Men này vừa tốt cho hệ tiêu hóa vừa tăng cường hệ miễn dịch, khi làm yaourt thì thơm ngon sánh đặc nên con mình thích. Men Kefir cũng rất tốt với các chức năng tương tự nhưng do nấm Kefir không sống được trong môi trường ngọt và thành phẩm sữa chua loãng nên các bé ít thích hơn, phải chế biến thêm hay dụ dỗ tí mới được. Mình thì dùng song song cả hai loại như đã đề cập trong bài Điều trị chứng táo bón cho trẻ.

Men làm sữa chua có tăng cường lợi khuẩn Probiotics

4. Thường xuyên cho bé phơi nắng và vận động vừa sức

Thiếu vitamin D không chỉ gây còi xương mà còn dẫn đến tình trạng suy yếu hệ miễn dịch khiến bé dễ nhiễm bệnh. Ánh nắng mặt trời là nguồn tổng hợp vitamin D tự nhiên dồi dào nhất, vì thế hãy cho bé phơi nắng mai hàng ngày nếu có thể. Việc phơi nắng này tốt cho mọi lứa tuổi nên cả bé lớn cũng nên được vui chơi dưới nắng nhé. Rất nhiều mẹ tích cực cho con phơi nắng đến 2 tuổi và sau đó thì... stop luôn. Kỹ thuật phơi nắng thì mình tạm không đề cập ở đây để tránh lan man.


Bên cạnh việc phơi nắng, cần cho bé tập thể dục và vận động vừa sức - lưu ý chữ "vừa sức" nhé. Bé lười tập luyện thì cơ thể yếu ớt, bé tập luyện quá sức lại dễ suy kiệt và nhiễm bệnh. Hãy cho bé vui chơi chạy nhảy tự nhiên hàng ngày theo sức bé, chơi thêm các môn thể thao như bơi lội, đá cầu, nhảy dây...

5. Đảm bảo bé có đủ vitamin

Cơ thể được bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tật. Tất nhiên thừa vitamin cũng không tốt, nhưng thực trạng là trẻ em VN rất dễ bị thiếu vitamin do chế độ ăn thiếu khoa học cũng như điều kiện sinh hoạt còn hạn chế. Điều này đôi khi cũng không trách ba mẹ được vì tuy đã cố gắng cho con ăn uống đủ chất nhưng những lúc bé ra ngoài, ăn ở trường... thì không phải luôn kiểm soát được. Vì vậy, ngoài việc cho bé ăn uống đủ các nhóm vitamin, nếu thấy bé có dấu hiệu thiếu vitamin thì nên bổ sung cho bé. Hoặc trước mỗi đợt giao mùa chừng nửa tháng nên cho bé dùng thêm thuốc bổ vitamin tổng hợp để tăng sức đề kháng. Tuy mình không thuộc diện sính thuốc nhưng sau khi tham khảo ý kiến các bác sĩ nhi mình vẫn cho hai con bổ sung vitamin tổng hợp liều thấp dùng hàng ngày để bé ăn uống ngon miệng và khỏe khoắn hơn.

6. Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ rất quan trọng nhé. Bé mà thiếu ngủ là dễ nhiễm bệnh lắm. Và khi bé bệnh, nếu được ngủ đủ thì bé cũng chóng hồi phục hơn. Vì thế, hãy cố tập cho bé có những thói quen ngủ tốt để bé ngủ đủ giấc. Còn trẻ tranh thủ mà ngủ chứ đến già như mẹ rồi đêm toàn thức lướt web, hehe.

Các bạn có thể tham khảo thêm bài: Giúp con tạo thói quen tốt với giấc ngủ.

7. Chế độ tắm rửa lành mạnh

Hãy rửa mặt bằng nước lạnh mỗi sáng và rửa chân bằng nước nóng mỗi tối để rèn luyện và giữ gìn sức khỏe. Khi tắm, luân phiên tắm nước nóng và lạnh để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đây là phương pháp tắm âm dương của người Nhật, cách thực hiện như sau: Tắm dưới vòi sen với nhiệt độ phù hợp, sau đó chuyển sang tắm nóng với độ nóng tầm 50 độ C (có thể điều chỉnh tùy theo sức chịu đựng của cơ thể hoặc thời tiết) trong khoảng 3 phút. Tiếp đó giảm nóng dần và tăng độ lạnh từ từ đến mức lạnh nhất có thể chịu được và tắm trong khoảng 3 phút. Nếu nhà có bồn tắm thì ngâm người trong nước nóng và lạnh luân phiên sẽ hiệu quả hơn. Việc tắm nóng lạnh luân phiên như vậy giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng khả năng miễn nhiễm nhất là đối với các chứng bệnh do thời tiết gây ra. Cách tắm này còn giúp đẹp da, chống lão hóa, thư giãn tinh thần. Có thể thực hiện vào bất cứ mùa nào trong năm. Với bé nhỏ thì mẹ nên cẩn thận hơn trong việc kiểm tra độ nóng lạnh phù hợp với khả năng thích ứng của bé.

8. Tập trung khi ăn

Tập trung khi ăn giúp bé tránh được các bệnh đường tiêu hóa, răng miệng và tăng cường sức khỏe do cơ thể trao đổi chất tốt hơn. Chính vì thế mình kiên quyết nói KHÔNG với việc bé vừa ăn vừa chơi bời, xem ti vi, đi rong... từ khi còn nhỏ - đó là thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe của bé lẫn hành vi, tính cách và thẩm mĩ xã hội.

9. Cho bé bú sữa mẹ

Đối với bé nhỏ, không có nguồn dinh dưỡng nào tốt bằng sữa mẹ và sữa mẹ cũng chứa một nguồn kháng thể dồi dào giúp bé tránh bệnh tật. Đừng sốt ruột khi thấy con hàng xóm dùng sữa bột tăng cân vù vù mà thôi cho con bú mẹ. Vài trăm gram với những lời tán dương rằng bé bụ bẫm không quan trọng bằng sức khỏe và sự phát triển bền vững của bé. Với những bé lớn, thì bé nào trước đây được bú mẹ trong năm đầu cũng thường duy trì được hệ miễn dịch tốt hơn.

Nhiều người vin vào lý do mẹ ít sữa nên không cho con bú. Thực tế thì mẹ thường ít sữa sau 6 tháng do điều kiện làm việc, chế độ ăn uống và sinh hoạt kém đi, chứ những tháng đầu sau sinh thì hầu như ai cũng có khả năng nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ nếu áp dụng đúng cách. Nên nhớ rằng số phụ nữ cơ địa không có sữa rất ít (khoảng 2%), đa số mất sữa chính vì mẹ không tuân thủ các nguyên tắc duy trì nguồn sữa cho bé mà thôi. Về vấn đề này, mình có viết rõ hơn ở bài Nuôi con bằng sữa mẹ.

10. Một vài biện pháp bổ sung

- Đảm bảo nhà cửa thông thoáng và sạch sẽ, tích cực mở cửa sổ phòng ban ngày để không khí trong lành và nắng ấm tràn vào.

- Giữ cơ thể có nhiệt độ phù hợp với môi trường: khi trời nóng thì phải mặc thoáng mát, khi trời lạnh thì phải mặc ấm.

- Khi thời tiết thay đổi, dùng một ít tinh dầu tràm ở mỗi phòng để kháng khuẩn; có thể massage lòng bàn chân với chút dầu tràm trước khi đi ngủ. Nếu bé sốt, có thể massage lòng bàn chân cho bé với chút tinh dầu cúc la mã để hạ sốt nhẹ nhàng và tự nhiên.

- Hạn chế dùng máy lạnh khi bé còn nhỏ. Tránh để bé tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi. Nếu đưa bé đi chơi, hãy tìm những nơi có môi trường thiên nhiên trong lành như công viên hơn là đến chỗ đông người vì ở đó dễ có nhiều mầm bệnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét