Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Gia vị cuộc sống

Mình - tuy không mấy thạo chuyện nấu nướng nhưng lại may mắn "lừa" được anh chồng sành ăn, sành nấu lại chăm làm. Món ăn từ truyền thống đến hiện đại, dân dã đến sành điệu, chồng chơi tuốt. Mà có lẽ nấu ăn cũng phải có khiếu, nên với chồng công việc ấy hết sức giản đơn, chỉ cần đi ăn nhà hàng một bữa, về nhà bắt chước được ngay mà lại còn biết thêm bớt hương vị cho phù hợp với "người thương".

Chồng bảo, gia vị của món ăn cũng giống như gia vị của cuộc sống, điều quan trọng nhất không phải là cầu kỳ, sành điệu đến đâu mà là phải hợp khẩu vị, tức là vừa miệng người ăn. Người không thích cay mà bắt ăn cay, người hảo ngọt mà suốt ngày me với sấu thì dần dần cũng "tức nước vỡ bờ". Tuy vậy, cũng có khi những con người có khẩu vị khác biệt lại ăn chung với nhau, thì người đầu bếp "đẳng cấp" phải biết dung hòa các hương vị khác biệt ấy, để tạo nên thứ gia vị đặc trưng mà không nhà hàng nào pha chế nổi, vì họ có hiểu tính nết mình đâu.

Và bởi vì gia vị làm tăng hương vị của cuộc sống, nên chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước những thứ gia vị hay ho, mà khi dùng đến, chỉ cần thêm một chút thơm nồng, một chút chua cay đặc trưng, một mùi vị là lạ mà càng ăn chỉ càng muốn nhấm nháp cho nó từ từ tan nơi đầu lưỡi, thì thứ món ăn quen thuộc ấy cũng trở nên khác biệt và hấp dẫn lắm rồi.

Sở dĩ người ta muốn ăn ở nhà hơn ăn tiệm là vì chỉ ăn ở nhà mới hợp khẩu vị mình nhất, dù có thể món ăn ấy không sành điệu bằng, không đẹp mắt bằng. Tuy nhiên, để kiềm chế bản năng "ham của lạ", thì ngoài những thứ gia vị thông thường như tiêu ớt hành gừng..., có lẽ cũng nên bon chen thêm những loại gia vị độc đáo khác. Hôm nay, trong một thoáng ngẫu hứng bất chợt, dù không có đầy đủ hình ảnh trưng bày, mình cũng góp một chút kinh nghiệm về các loại gia vị giúp món ăn thêm thơm ngon và nhớ mãi.


1. Hạt thảo quả

Mình biết đến gia vị này lần đầu tiên khi ăn chiếc bánh chưng do bố mẹ chồng gói gửi vào. Cũng là nếp, đậu, thịt... thông thường nhưng bánh chưng có vị thơm không tả nổi. Con gái mình bảo chưa bao giờ ăn cái bánh chưng nào ngon như bánh chưng của ông bà nội. Hỏi chồng, chồng bảo: "là do thêm hạt tò ho đấy".

Tò ho là cách gọi thảo quả của quê chồng. Hạt thảo quả nho nhỏ bằng hạt tiêu (đó là hạt đã tách ra từ quả), mùi vị thơm nồng. Hương thảo quả tan trong nhân bánh chưng làm chiếc bánh có mùi đặc trưng không lẫn vào đâu được, cắn một miếng đã thấy ngon. Thảo quả thêm vào món bò kho hay cá nướng cũng tuyệt ngon. Đặc biệt, thảo quả giã nhỏ pha vào nước rồi súc miệng thì hơi thở thơm tho hơn nhai chewing gum doublemint. Nhà mình thì thường lấy thảo quả - tò ho khi về quê chồng rồi đem vào SG dùng dần nên quả thật cũng chẳng biết mua ở đâu.

2. Hạt ngò

Ngò ở đây là ngò rí chứ không phải ngò gai nha, ở ngoài Bắc gọi là rau mùi đó. Xưa nay ngò hay được khai thác lá dùng như một loại rau thơm, còn hạt ngò ít thông dụng hơn. Tuy vậy, hạt ngò lại là thứ gia vị cần có trong tủ bếp vì hương vị đặc sắc lẫn dược tính của nó. Sườn nướng và món gà nấu nấm nếu có thêm hạt ngò bảo đảm độ thơm ngon sẽ tăng gấp nhiều lần. Hạt ngò cũng trị chứng khó tiêu, cảm cúm và giải độc - đặc biệt nấu nước hạt ngò uống thì giải độc thủy ngân rất tốt.

Hồi trước nhà mình cũng lấy hạt ngò ở quê, sau này thì hay mua ở nước ngoài cho tiện.

3. Lá hương thảo

Lá hương thảo cũng là thứ gia vị không thể thiếu cho các món nướng, súp và nước sốt. Bò Úc ướp lá hương thảo khô đem nướng thì ngon lắm, hay súp gà khoai tây cũng vậy. Món sườn nướng có thể đổi khẩu vị bằng cách ướp lá hương thảo và tỏi thay cho hạt ngò, cũng rất ngon. Nếu ai đó không thích mùi thịt vịt thì hãy ướp chung với lá hương thảo cùng một chút bạc hà nhé. Và đây là món nước sốt rất tuyệt được tha từ trời Tây về: phi thơm hành tỏi, sau đó thêm hỗn hợp rượu vang đỏ + lá hương thảo + nửa quả táo giã nhuyễn (táo tây) + tiêu muối giấm vừa miệng ăn, và có thêm nước luộc thịt càng tốt. Đun riu riu chừng 5-7 phút cho sánh rồi trút vào dĩa sâu lòng, rắc thêm lá ngò tây, dùng để chấm thịt ngon lắm.

4. Nước hoa hồi

Hoa hồi chắc ai cũng biết rất hợp với món phở truyền thống của Việt Nam. Nhà mình dùng hoa hồi dạng nước vì không chỉ ứng dụng để tẩm ướp khi nấu ăn mà còn pha chế nước uống. Khi nấu nước dùng, tùy nấu heo, bò hay gà mà cho nước hoa hồi riêng hoặc nước hoa hồi chung với nước quế vì hai vị này mix với nhau rất hợp. Bò nướng, gà nướng, gà hầm hay gà xé phay cũng đều hợp với hương hoa hồi. Uống trà, cà phê cho chút xíu nước hoa hồi tạo hương vị là lạ mà thơm hơn hẳn.

5. Quế

Quế mình dùng cả 3 loại: loại vỏ khô, loại bột và loại nước tạo hương. Thường làm các món trộn hay tạo hương cho nước dùng thì mình dùng quế nước để mùi vị lan đều hơn. Nước quế mình mua ở nước ngoài. Vỏ quế khô trước mình mua siêu thị nhưng chồng chê hương nhạt, rồi sau này chồng lấy được vỏ quế ở vùng Tây Bắc về đúng là thơm hơn hẳn. Bột quế ướp thịt ngon, mà trộn vào yaourt cũng thơm lắm. Trời se lạnh uống trà quế rất dễ chịu. Còn món nước quế (không phải nước quế ướp thực phẩm nói trên mà nước nấu từ vỏ quế) - khi mình sinh xong đây là thứ nước uống hàng ngày giúp cơ thể ấm nóng và tăng tiết sữa. Mình cũng thích cả hương quế lan tỏa trong lò vi sóng, vừa khử mùi vừa tạo hương. 

6. Lá oregano

Lá này là học theo các bạn Tây. Lá oregano làm nước sốt cà chua ăn với mì Ý, hay dùng trong bánh mì bơ tỏi và bánh pizza đều ngon. Trước mình mua oregano khô ở nước ngoài, giờ chồng bảo cây này dễ trồng lắm nên mình đang mua hạt giống về trồng để có lá tươi, chỉ cần một chậu chữ nhật là đáp ứng nhu cầu cả nhà rồi. 

7. Bột tỏi

Tỏi là gia vị khá thông dụng nên không nói nhiều nữa. Ngoài tỏi củ, mình dùng thêm bột tỏi để tiện làm món bánh mì bơ tỏi vào những buổi sáng "chạy giặc".

8. Lá xô thơm

Anh trai chồng mình có một mối ruột cung cấp heo mọi - heo mọi sống thích con nào thì mua và họ mổ thịt cung cấp trọn bộ, thường thì 2 nhà mua 1 con chia nhau. Thịt heo mọi ngon hơn heo thường, được đem chế biến với nhiều món luộc, nướng, dồi, giả cầy... khác nhau. Đặc biệt heo mọi nướng lá xô thơm thì ngon thôi rồi. Lá này ướp thịt bò hay thịt gia cầm thay cho hương thảo cũng ngon.

Vậy nên mới có thơ trêu chồng:

"Yêu anh yêu lá xô thơm
Anh về ướp thịt ngon hơn nhà hàng."

9. Bột gừng

Cũng như bột tỏi, bột gừng được dùng để giải quyết khâu nhanh khi ướp một số món ăn. Với mình thì món gà hấp muối không thể thiếu bột gừng.

10. All-Purpose Seasoning Blend

Tạm gọi là hộp gia vị tổng hợp nhé, dùng cho nhiều mục đích và đặc biệt là khi nào gặp món lạ không biết nên ướp cái gì thì dùng đến cái này là xong - có vẻ đơn giản và phù hợp với những đứa không thạo nấu nướng như mình. Hộp Herby ở nhà mình là sự kết hợp của oregano, hương thảo, chanh, ớt, tiêu, muối và cà chua, dùng rất vừa miệng.


Còn vài thứ linh tinh nhưng không ứng dụng thường xuyên hoặc chỉ mua một số thời điểm thì mình bỏ qua. Cũng có một số loại gia vị rất thông dụng nhưng không có ở nhà mình do cả vợ lẫn chồng đều không thích, ví dụ như ngũ vị hương. Lá húng tây hay còn gọi là cỏ xạ hương ướp cũng okie nhưng vì nhà đã có một số loại gia vị thay thế nên cũng ít khi dùng đến lá này. Ngoài ra mình còn có chai dầu bạc hà để nhỏ vài giọt vào nước uống (chẳng hạn như nước chanh mật ong), ngoài việc tăng thêm hương vị thì còn tăng sức đề kháng. Con và các cháu mình nhờ món nước chanh bạc hà này mà cả năm không biết đến cảm cúm là gì.

Nói thêm, vườn nhà bố mẹ chồng mình trồng rất nhiều loại cây gia vị - những cây gia vị không chỉ dùng để ăn lá, củ, hạt... mà còn trổ hoa và tỏa hương. Ra Bắc vào độ mùa xuân tiết trời se lạnh, nhìn đám cây gia vị lấm tấm mưa bụi rơi, thấy lòng thanh bình lắm. Vậy mới nói, chỉ cần một chút gia vị là cuộc sống bớt nhạt nhẽo chừng nào, miễn là phải đạt được hai chữ "hòa hợp" và "vừa đủ".

Thì là trổ hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét