Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Vui cùng lá hoa (phần 2)

Tóc tiên dây trắng đã nở, màu tinh khiết dịu dàng, chen cùng sắc đỏ thật đáng yêu làm sao:


Cùng trồng một lần, mà em trắng ra hoa sau 1,5 tháng trong khi em đỏ 1 tháng là hoa nở tưng bừng rồi. Cây nhiều nụ, lá xanh mướt, hứa hẹn một mùa thu hoạch lớn đây.

Đỏ trắng giao duyên

Em xinh em đứng một mình cũng xinh

Thanh tao và quyến rũ

Cà chua đang lên

Dã yên thảo và bina dâu (gieo đợt 2)

Dã yên thảo của lứa đầu gieo hạt

Bina dâu của lứa đầu gieo hạt

Cosmos vươm mình

Mầm lúa mì

Vẫn là thanh tú

Xanh biếc sắc thiên thanh

Hoa thanh tú (phần 2)

Lại là hoa thanh tú. Trời, có mấy bông hoa xanh xanh mà cứ chụp hoài không chán sao!

Nhưng chán làm sao được, khi mỗi buổi sáng ra đứng bên cửa sổ phòng con gái là lại thấy một khung cảnh đáng yêu như thế này:


Chảnh chút nha, hình như thanh tú nhà mình đẹp hơn ngoài tiệm thì phải - hoa nhiều hơn và sắc hoa cũng xanh hơn:







Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Em kiwi đáng yêu

Em kiwi đúng ra là của chồng, vì chồng nghĩ đến việc trồng nó, chồng tìm tòi mua hạt, chồng ươm mầm và chăm bẵm cho ẻm lớn. Nhưng đến khi ẻm lớn, đọt non xanh biếc, dây vươn dài bám ban công leo lên, thì vợ rắp tâm chiếm đoạt, hehe. Show một vài hình ảnh của em kiwi đáng yêu nha.

Đây là 2 em đang tuổi lớn, phía sau là em lớn nhất đang vươn ngọn leo lên:


Thuở bé thơ các em như thế này:



Rồi ngày càng lớn:


Đọt xanh mơn mởn:


Lá con mọc trên lá mẹ:


Hiện tại mình có 7 em kiwi tất cả, vẫn chưa biết giới tính các ẻm thế nào nên đang hồi hộp chờ đợi, vì theo mình biết, phải có cả cây đực lẫn cây cái (lý tưởng nhất là 1 cây đực còn lại là cái) để thụ phấn thì hoa mới thành quả được.

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Nuôi dưỡng mầm cây (phần 1)

Khi cuộc sống có quá nhiều áp lực với những bộn bề vây quanh, người ta bắt đầu tìm đến những trò giải trí đem lại niềm vui nhẹ nhàng và gần gũi với thiên nhiên như câu cá, làm vườn, đạp xe trên những con đường xanh mát... Nhà ở ven sông, nhưng mình không có thói quen câu cá. Bù lại, mình thích làm vườn.

Dĩ nhiên, nếu quá bận rộn và muốn làm một phát ăn ngay, bạn có thể ra tiệm mua chậu hoa đã nở tưng bừng về chưng cho đẹp nhà. Nhưng có lẽ, thú vui của người làm vườn, từ việc chọn hạt, ươm mầm, bón phân tỉa cành, hàng ngày theo dõi cây con lớn dần lên rồi ra nụ, trổ hoa... là một thứ giá trị tinh thần không dễ gì mua được. Trồng một cái cây từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch giúp chúng ta tĩnh tâm hơn, kiên nhẫn hơn, yêu đời hơn, biết quan tâm và chăm sóc người khác, bởi vì cây cũng giống như con người, biết đón nhận sự quan tâm của chúng ta và đền đáp lại bằng hoa trái, bằng niềm vui đem lại mỗi ngày.

Nuôi dưỡng mầm cây - có thể nói vừa khó vừa không khó. Thực sự không khó khăn gì để cây nảy mầm và vươn lên hàng ngày nếu chúng ta dành cho nó sự quan tâm đúng mức và cả đúng phương pháp nữa. Còn một khi đã không có tình yêu cây cỏ, thì có lẽ lý thuyết nào cũng khó giúp cho cây trưởng thành, đơm hoa kết trái.

1. Chọn hạt giống

Đây là khâu đầu tiên, đòi hỏi bạn phải có một chút lý trí và am hiểu nhiều về điều kiện trồng trọt ở nhà bạn. Cùng ở Việt Nam, nhưng khí hậu mỗi miền mỗi khác; cùng một thành phố, nhưng nhà bạn hướng Tây, nhà tôi hướng Đông; cùng nơi sống và cùng hướng nhà, nhưng nhà bạn có mảnh vườn rộng đầy gió, nhà tôi chỉ có cái ban công bé teo để trồng trong chậu... thì đã làm nên sự khác biệt lớn khi chọn hạt rồi.

Điều tiếp theo cũng rất quan trọng là chất lượng hạt. Một số loài cây thuộc loại dễ trồng thì nhìn chung hạt cứ tuốt trên cây xuống là okie. Nhưng nhiều loại khó trồng hơn thì nên chọn hạt giống của các nhà cung cấp uy tín, có nghiên cứu cẩn thận về việc khai thác và bảo quản. Mình ví dụ: hạt dã yên thảo mình mua ở SG chưa bao giờ lên cây, đến nỗi mình đã từng viết trong một entry rằng DYT không trồng được ở SG, chỉ mua hoa về chưng. Nhưng cũng hạt DYT mình mua ở Mỹ thì lên cây 100%, ra hoa sau 1,5 tháng.


Nhìn chung, hầu hết các loại hoa, rau, cây ăn quả đều thích nắng sáng. Có nắng thì hoa mới nhiều và thắm sắc. Một số loại ưa khí hậu mát mẻ nhưng vẫn phải có nắng. Vì vậy khi mua hạt, bạn cần cân nhắc xem nơi trồng cây của nhà mình có nắng và nhiều ánh sáng không. Ví dụ:

- Cà chua: thích ánh sáng mạnh và nước nhiều. Nếu nhà bạn không có sân, ban công không đủ sáng, trồng cây trong góc khuất bị các bức tường che chắn... thì đừng trông mong gì cà chua sẽ lớn và ra quả nghen. Hầu hết các loại cây rau quả khác cũng thích nắng sáng như dưa leo, khổ qua, bầu bí mướp, chanh dây...

- Hoa dây leo: nhìn chung đều dễ trồng, dễ nảy mầm và nhanh ra hoa. Nếu bạn mới tập tành trồng hoa thì các loại dây leo là một thử nghiệm tốt vì xác suất thành công rất cao. Những loại hoa như morning glory, tóc tiên dây, lan tiêu, huỳnh anh huỳnh đệ, tigôn... đều là những loại dễ lên cây, nhanh lớn, ra hoa nhiều, chỉ cần bạn trồng nơi có nắng sáng và thỉnh thoảng tưới nước, vì vậy ai mà làm cho tụi nó chết được thì thiệt là "tài năng" đó nha.

- Thanh tú, Mexican Petunia, catchfly, cosmos vàng... là những loại cây "đẹp người đẹp nết". Chúng cũng dễ trồng như hoa dây leo và ra hoa triền miên miễn là bạn trồng nơi nhiều nắng. Bạn chẳng cần bón phân gì nhiều, cứ 1-2 ngày tưới nước là okie. Thậm chí đi xa mấy tuần về mấy ẻm hơi heo héo, cho uống miếng nước lại tươi xanh.

- Cosmos lá nhuyễn (đỏ hồng trắng), dã yên thảo, đậu thơm... là những loại hoa nhan sắc kiều diễm nhưng khá "yểu điệu thục nữ". Các em này cần có nắng để da dẻ thêm hồng nhưng lại thích mát để không bị héo úa, đặc biệt làn da các em thuộc loại nhạy cảm nên tránh xa các thể loại côn trùng nhé. Chăm các em phải chịu khó nâng niu một chút. Bù lại, khi các em ra hoa thì bạn sẽ nhận được niềm vui bất tận.

- Tử la lan, thu hải đường, tiểu quỳnh, nhiều loại hoa lan... là các loại hoa ưa mát. Bạn chỉ cần cho tắm chút nắng mai rồi để cây nơi khô ráo, mát mẻ thì cây mới bền.

- Nếu muốn trồng trong nhà, bạn chọn các loại cây lá xanh hoặc vài loại gia vị, dương xỉ... Tuy những cây này chịu bóng song thỉnh thoảng cho ra ngoài phơi sáng chút thì cây sẽ tươi tốt  hơn.

Nói chung, chủng loại cây thì nhiều, mỗi loài một đặc tính, mình cũng chỉ là dân làm vườn amateur nên không thể nào biết hết được. Vì thế, khi bạn yêu thích một loại cây nào đó, thì con đường nhanh nhất để tìm hiểu thông tin là hỏi bác Google. :D

2. Chọn thời điểm gieo hạt

Mùa thu gieo hạt
Chờ mầm cây lên
Lá vươn xanh mát
Long lanh sương mềm

Nhìn chung có thể gieo hạt quanh năm, nhưng nếu chọn một thời điểm lý tưởng nhất cho hầu hết cỏ cây thì đó là mùa thu. Thiên nhiên vốn đã mặc định mùa thu quả chín, hạt rơi xuống đất, ủ mầm qua mùa đông, sang xuân thì đâm chồi nảy lộc, cuối xuân ra hoa và sang hè kết trái. Bây giờ, trừ các khu rừng nguyên sinh, cây cối ít nảy mầm tự nhiên mà đều có sự can thiệp của con người. Có sự tác động của khoa học kỹ thuật, tỷ lệ nảy mầm cao hơn, ít bị các "hiểm họa" từ thiên nhiên như gió cuốn hay côn trùng ăn mất hạt.

Hạt cần nhiệt độ ổn định và ấm áp để nảy mầm. Đất đầu xuân thường lạnh, nhưng đất mùa thu lại ấm do vừa trải qua một mùa hè, khí trời lại mát mẻ để mầm cây vừa nhú lên dễ thích nghi. Nếu bạn không đảm bảo được vấn đề khí hậu, tốt nhất nên có biện pháp xử lý hạt hoặc gieo trong các thỏi đất dinh dưỡng vốn đã được nghiên cứu kĩ về nhiệt độ, độ ẩm, dưỡng chất... cần thiết cho hạt nảy mầm.

3. Gieo hạt

Nếu bạn lười, thì cách gieo hạt đơn giản nhất là quăng xuống đất, hoặc cắm hạt xuống đất. Tuy nhiên, gieo kiểu này thì tùy cây và điều kiện sống ở nhà bạn mà tỉ lệ nảy mầm có cao hay không. Có loại rất dễ nảy mầm nhưng bị gió thổi bay hạt, côn trùng tha mất... thì cũng như không.

Vì hạt giống không dễ gì có được nên chúng ta cần cẩn thận hơn một chút. Mình thường gieo hạt trong các khay chia lỗ. Hạt lớn và hạt trung thì mỗi lỗ 1 hạt (cà chua, morning glory, cosmos, tóc tiên dây...), hạt li ti thì mỗi lỗ 2-3 hạt (dã yên thảo, cúc...). Với các loại hạt dễ trồng thì mình chỉ gieo trong đất sạch dinh dưỡng mua ở tiệm cây và đặt khay nơi có nắng mai, không bị mưa tạt vào hoặc gió quá mạnh:


Với hạt khó hơn hoặc quý hiếm thì mình gieo trong các thỏi đất chuyên dụng đặt trong cái lồng ươm mini như thế này:


Trồng kiểu này thì cây khó tính mấy cũng lên. Do chất trồng tốt nên hạt dễ nảy mầm và cây con nhanh khỏe, lại có nắp lồng che chắn nên hạt và cây không bị hư hao hay côn trùng phá hoại. Lúc cần lấy khí trời chỉ việc mở cửa sổ phía trên. Mình đã thử nghiệm thì lên 100% với mọi loại hạt đã trồng, mỗi tội mắc tiền.

Một số kỹ thuật để hạt nhanh nảy mầm, nhất là các loại hạt khó trồng:

- Ngâm nước ấm: Ngâm theo tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh qua đêm. Tuy nhiên cần lưu ý là không phải hạt nào cũng ngâm. Mấy hạt nhỏ li ti như dã yên thảo thì không ngâm, hoặc mấy loại hạt basil mà ngâm là nó nở ra cho bạn... pha sinh tố. :D

- Rạch vỏ: Với các loại hạt to và cứng thì nước khó thâm nhập vào bên trong nên cần trợ giúp bằng cách rạch vỏ. Trước hết là ngâm hạt giống trong nước ấm khoảng 1 ngày cho mềm, sau đó xử lý các hạt chìm. Hạt nào nổi thì thử ngâm thêm xem có chìm không, nhưng đa phần đó là các hạt "tịt", có gieo cũng chả lên.

- Ủ lạnh: Những vùng ôn đới do điều kiện tự nhiên có một mùa đông lạnh giá nên hạt khi rơi xuống đất vào mùa thu đều được trải qua giai đoạn ủ lạnh dưới đất sâu trong mùa đông. Ở xứ mình, nhất là phương Nam không có mùa đông, thì với các loại hạt "đỏng đảnh", nên thực hiện thêm khâu ủ lạnh. Cách làm rất đơn giản: đặt hạt trong khăn giấy ẩm rồi cho vào túi zip và đặt ngăn mát tủ lạnh. Mình thì thấy xã hay ủ trong khăn sữa em bé có thấm nước, cất trong hộp nhựa để tủ lạnh. Do xã mình hay trồng mấy loại cây kiểu như ô liu... nên ảnh cẩn thận lắm, còn mình chỉ trồng hoa, rau thông thường nên toàn gieo trực tiếp không hà.

4. Bảo quản hạt giống

Hạt giống có thể để cả năm trời mới gieo trồng vẫn okie miễn là bạn bảo quản tốt. Hãy giữ hạt giống nơi khô ráo và thoáng mát, lý tưởng hơn là đặt vào ngăn mát tủ lạnh (nên gói kín để tránh sáng và tránh ẩm).

Còn bây giờ khoe mấy cái mầm cây iu iu nè:

Em morning glory này sinh đôi, gieo 1 hạt mà lên 2 cây :)

Em cà chua chocolate
Thành quả:


Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Yêu kiều Cosmos (phần 2)

Bởi lẽ yêu cosmos từ những ngày xưa, nên bây giờ có dịp là tự nhủ lòng phải trồng cosmos. Ở cây này, cái gì cũng mảnh mai yêu kiều. Thân dài vươn cao, nụ xinh chúm chím, cánh hoa mỏng manh đung đưa theo gió. Mỗi buổi sáng, thích nhất là nhìn sương đọng trên lá hoa, cùng ánh nắng chiếu vào làm tươi thêm sắc, và từng nhành hoa cứ lao xao, lao xao.

Cosmos, mà ở VN có tên là sao nhái, cánh bướm, cúc chuồn chuồn... là loại cây hàng năm, hết đợt hoa thì nhổ bỏ, gieo đợt khác. May thay, cây rất dễ thu hoạch hạt. Chỉ cần một bông hoa héo khô có thể cho đến 6-7 hạt và lại dùng hạt đó để gieo tiếp. Cây thích nắng sáng và khí hậu mát mẻ.

Nhìn chung cosmos có 2 loại: một loại lá dày, hoa vàng, chịu nóng giỏi và rất dễ trồng (có thể trồng lúc nào cũng được), khá phổ biến ở Việt Nam:


Loại thứ 2 thân mảnh hơn, lá nhuyễn, có các màu đỏ, hồng, trắng. Vì người ta "yểu điệu thục nữ" hơn nên cũng đòi hỏi chăm chút nhiều hơn. Loại này chịu nóng kém, vì thế thời điểm thích hợp để gieo trồng ở miền Nam là khoảng 6 tháng cuối năm, khi mùa mưa làm cho khí trời dịu mát, kéo dài đến dịp Noel se lạnh. Ở miền Bắc, lý tưởng là chờ sang thu, độ tháng 9 tháng 10, đất trời bớt oi ả trồng chừng 3 tháng ra hoa vào dịp Noel hay Tết ta là vừa đẹp.




Cosmos có thể trồng trong chậu, đẹp hơn thì trồng một vạt đủ màu trong bồn, đẹp hơn nữa thì trồng nguyên một góc sân dành cho những ai có sân vườn, đẹp hơn nữa nữa là một không gian rộng như thế này:


Sắp sang thu rồi, chuẩn bị trồng cosmos thôi!

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Nuôi dưỡng tính tự lập

Không phải là sính ngoại, nhưng một trong những quan điểm giáo dục của người phương Tây mà mình rất thích là nuôi dưỡng tính tự lập cho con từ khi còn bé. Với sự tự lập làm nền tảng, đứa bé (mà sau này là người lớn) có thể phát triển thêm các phẩm chất và kỹ năng cần thiết khác để sinh tồn, thành công và mưu cầu hạnh phúc: sự tự chủ, tự tin, khả năng thích nghi với hoàn cảnh và giải quyết vấn đề, tinh thần trách nhiệm, ý thức chăm sóc bản thân và yêu thương người khác, có cái nhìn tích cực đối với cuộc sống...

Trong bài viết này, mình chia sẻ một số quan điểm và kinh nghiệm riêng trong việc nuôi dưỡng tính tự lập cho con. Tại sao lại nuôi dưỡng? Bởi vì các bé khi sinh ra hầu như đã có bản năng tự lập rồi, điều quan trọng là người lớn phải biết khơi nguồn cảm hứng, khuyến khích và hướng dẫn để các bé phát triển thêm mà thôi.

1. Khuyến khích bé tự thực hiện

Trẻ con có thích tự lập không? Mình xin khẳng định là có. Một đứa trẻ bình thường, từ khi biết nhận thức cũng có luôn mong muốn được tự lập, tự khẳng định mình. Bé sẽ bộc lộ rõ điều đó qua từng giai đoạn phát triển: muốn tự giành lấy đồ chơi, tự xúc ăn, tự đi một mình không ai dắt, tự mặc quần áo, tự làm những công việc của người lớn... Vì vậy, hãy cho phép bé tự thực hiện những công việc vừa sức, trao cho bé quyền được tự lựa chọn, tự quyết định trong phạm vi nhất định và chấp nhận các sai sót của bé.

Khi Anh Thi sinh ra đời, mình đã xem bé là một chủ thể độc lập. Bé được yêu thương và chăm sóc, nhưng bé cũng cần có môi trường để tự chăm sóc bản thân và tận hưởng từ điều đó. Với Kitty sau này cũng vậy. Con tự ăn, tự ngủ, tự lấy quần áo khi đến giờ tắm, tự đánh răng sau bữa ăn, tự xếp đồ chơi vào hộp... Tất cả những điều đó làm cho con cảm thấy vui vẻ, hào hứng và tin tưởng vào quyết định của mình. Thực tế thì, bé có thể làm rơi vãi và bôi bẩn rất nhiều khi tự ăn, bé có thể đánh răng không được sạch lắm và ngực áo thì ướt sũng, bé mặc quần áo và đi dép ngược, đồ chơi bé xếp trộn món này lẫn với món kia, quét nhà thì bụi tung mù mịt, và cũng có thể làm cây con chết non sau 3 ngày tưới nước quá nhiều...

Phản ứng của người lớn trước những sai sót này ảnh hưởng rất nhiều đến mong muốn tự lập của bé. Thay vì mắng bé vụng về và cấm bé không được tự ý làm những gì mình chưa thạo (mà bé thạo sao được nếu trước đó không được phép vụng về?), an ủi bé và làm thay cho bé (bé bị tước mất cơ hội thực hiện trong những lần sau), hoặc vẫn cho bé thực hiện nhưng chỉ chê bai mà không hướng dẫn cụ thể (khiến bé cảm thấy bế tắc và tự ti), thì hãy động viên bé, hướng dẫn cho bé cách làm và khuyến khích bé thử lại. Bé không phải là vĩ nhân, mà ngay cả vĩ nhân như Thomas Edison cũng chế ra cả ngàn cái bóng đèn không sáng trước khi tạo ra được cái bóng sáng, thì cớ gì lại không thể chấp nhận sai sót của bé và hướng dẫn để bé làm đúng cách? Tất nhiên, điều này đòi hỏi mẹ phải hết sức kiên nhẫn và tin tưởng bé. Tâm lý chung của nhiều người là thấy sốt ruột khi phải chờ đợi sự tiến bộ của bé, nên giành lấy - thôi để mẹ làm cho xong. Mẹ làm thì bao giờ cũng nhanh, cũng sạch, cũng gọn, chỉ có điều là nếu mẹ cứ làm thay cho bé thì bé sẽ dần mất đi bản năng tự lập, chủ động, sẽ không có cơ hội rèn luyện kĩ năng và tai hại hơn là hình thành một thói quen dựa dẫm vào người khác.

2. Ngợi khen đúng lúc và góp ý thay vì chỉ trích

Nếu bé làm tốt, hoặc hơi tốt (so với khả năng của bé chứ không phải so với khả năng của mẹ), đừng tiếc lời ngợi khen bé. Mong muốn được công nhận là một mong muốn chính đáng và luôn tiềm ẩn trong mỗi con người từ trẻ đến già. Lời khen sẽ giúp bé hiểu rằng bé đã làm đúng, bé có cảm giác được tôn trọng, bé sẽ hào hứng phát huy tiếp trong những lần sau.

Nhưng khi bé làm không tốt, hoặc quá tệ thì sao? Đừng cứng nhắc tới mức luôn tuôn ra lời khen ngợi bé bất kể thành quả ra sao. Điều đó khiến bé bị lẫn lộn, không phân biệt được nên làm thế nào thì tốt. Cũng không nên chỉ trích và chê bai bé, khiến bé cảm thấy thất vọng và áp lực.Trước hết: hãy khen ngợi sự cố gắng của bé, sau đó giải thích cho bé hiểu rằng cần làm như thế này mới đúng, hoặc làm thế này thì hiệu quả sẽ cao hơn, có thể làm mẫu cho bé và bảo bé làm lại. Cũng nên nhớ rằng không phải cứ hướng dẫn là bé sẽ giỏi ngay. Có thể bé vẫn làm sai cả chục lần sau đó, nhưng chắc chắn đến lúc nào đó bé sẽ biết khắc phục.

3. Biến công việc thành niềm vui

Một đứa trẻ khi lần đầu tiên làm việc gì đó bao giờ cũng háo hức, nhưng khi dần quen, bé sẽ cảm thấy nhàm chán. Bản năng khám phá không thôi thúc bé nữa. Bé cảm thấy đó là công việc, chứ không phải là trò vui. VD: bé đòi bạn cho xếp quần áo và rất thích làm điều đó, nhưng một thời gian sau, khi bạn giao cho bé nhiệm vụ tự xếp quần áo của mình thì bé tỏ ra lười biếng. Bé trở nên chán ghét cái nghĩa vụ mà bé phải làm đó. Bé muốn khám phá các công việc khác và bắt đầu có thói quen làm nửa vời. Vậy phải làm sao?

Thời nhỏ mình đọc "Chuyện phiêu lưu của Tom Sawyer" có một đoạn như thế này mà mình rất thích: cậu bé Tom bị phạt phải quét vôi hàng rào, khi xách chổi và thùng vôi ra, nhìn cái hàng rào dài dằng dặc cậu ta rất chán ngán. Nhưng sợ lũ bạn chê cười, lòng kiêu hãnh của một đứa trẻ thôi thúc cậu nghĩ ra một sáng kiến. Tom không xem đó là một công việc, thậm chí là hình phạt nữa, mà đó là một sứ mệnh lớn lao không phải đứa trẻ nào cũng có cơ hội thực hiện. Oai thế chứ! Quét vôi cả một cái hàng rào chứ ít à, mình phải tài năng như thế nào thì dì mới giao cho cái việc quan trọng như thế chứ. Bọn trẻ hàng xóm nhìn Tom làm việc một cách say sưa và nghệ sĩ mà chết thèm, thế là nào bi, nào táo, đồ chơi các kiểu, chúng đem tất ra cống nạp cho Tom để mỗi đứa được lia chổi vài nhát. Chưa đầy nửa buổi, với sự tham gia của bọn trẻ, Tom hoàn tất công việc với một chiến tích rực rỡ khiến dì của Tom hết sức kinh ngạc và phải thưởng ngay cho một quả táo ngon. Tom nhìn công việc dưới một thứ ánh sáng mới mẻ và triết lý rằng: "lao động là làm bất kỳ một việc gì mà mình bắt buộc phải làm, còn chơi là làm bất kỳ một việc gì mình không bắt buộc phải làm", cho nên mới có chuyện nhà giàu thích đánh xe ngựa chở khách đi chơi, nhưng nếu ai trả tiền cho họ thì họ khước từ vì cho đó là lao động. :D

Khi con còn nhỏ, hãy tạo điều kiện để bé xem công việc như một trò chơi. Mẹ con mình cùng chơi xếp quần áo nào, mẹ xếp của mẹ và con xếp của con nhé. Nào cùng thi xem ai xếp đẹp hơn. Đôi khi bạn phải tạo điều kiện cho bé thắng vài lần. Nhưng tất nhiên, không phải lần nào bé cũng thắng. Bé sẽ nhạy cảm mà phát hiện sự giả dối nào ở đây hoặc nảy sinh tính tự mãn. Bé cũng cần có cảm giác thất bại, tuy nhiên, thay vì để bé khóc, nằm vạ hay có cảm giác tự ti, bất lực, hãy giải thích cho bé hiểu cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, cũng có những lúc chúng ta làm không tốt thì phải cố gắng để lần sau làm tốt hơn. Hãy xây dựng cái nhìn tích cực về sự tự lập trong bé:

- Con giỏi thật đấy. Bằng này tuổi đã tự đánh răng rất sạch rồi, mẹ chả phải đánh lại nữa. Con có thấy tự mình làm thì thích hơn là mẹ làm không? Chỉ có con là hiểu rõ mình nhất thôi mà.

- Hôm nay mẹ bận quá, mẹ tưởng là mẹ không thể làm xong việc của mẹ nữa, thế mà cuối cùng mẹ vẫn xong. Con biết vì sao không? Vì con đã tự quét nhà, lau nhà, phơi quần áo... nên mẹ tập trung được cho việc khác. Mẹ thật là hạnh phúc vì có con.

- Con này, hôm nay mình chơi trò nhà khách sạn nhé. Mẹ sẽ là một bà khách khó tính còn con là chủ khách sạn. Con tự xem phải dọn dẹp thế nào để vừa lòng khách nào. Oái, cái "sảnh" này sao mà bề bộn thế này, tôi có nên thuê phòng không nhỉ?

...

4. Xây dựng ý thức trách nhiệm

Khi bé lớn hơn, bé nên hiểu rằng: có những việc dù mình không thích, mình cũng nên làm - đó là trách nhiệm. Điều quan trọng là mình phải biết tạo niềm vui cho công việc đó để không thấy nặng nề.

Một trong những điều mình ấn tượng về xã mình những ngày đầu quen nhau là sự tự lập của anh ấy. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, 10 tuổi chàng đã phải xa nhà đi học ở trường năng khiếu, phải ở trọ, tự lo cho bản thân, lớn lên được đi học nước ngoài cũng phải tự thân vận động, về nước tự lập nghiệp, mọi chuyện sinh hoạt chàng tự xoay xở hết. Lấy nhau rồi, mình cũng không phải băn khoăn khi đi đâu phải để con lại cho chồng chăm, và mình luôn yên tâm khi có xã ở bên cạnh. Xã thường nói với mình: một người phải biết tự chăm sóc cho bản thân thì mới có thể chăm lo cho người khác.

Mình cũng nghĩ như thế, cho nên mình tránh né các thể loại đàn ông chẳng biết động tay động chân vào việc gì, cái gì cũng "mẹ làm cho anh, để anh về nhà hỏi mẹ"..., hehe.

Tự phục vụ bản thân là trách nhiệm đầu tiên của bé, mà đó cũng là cơ hội để bé tận hưởng thành quả nữa. Bé phải tự ăn thì mới thấy ngon, tự đi thì mới thấy vui, tự mặc lấy quần áo thì mới thấy đẹp (dù chưa chắc mẹ đã thấy đẹp). Bé tự dọn đồ chơi thì sẽ ít vứt bừa bãi hơn, vì bé hiểu rằng chính bé chứ không ai khác phải thu dọn chiến trường mà mình bày ra. Từ chuyện lo cho bản thân, bé sẽ có thêm ý thức giúp đỡ và chia sẻ với người khác. Bé đỡ bạn dậy khi bị ngã, giúp bạn rửa vết trầy xước: làm như mình đây này (bé cảm thấy tự hào và vui sướng vì chia sẻ được với người khác).

Ngoài ra, hãy làm gương cho con. Ba mẹ chính là một tấm gương lớn đối với con cái. Đừng trông mong bé sẽ tự lập khi mà chính ba mẹ cũng lười biếng và dựa dẫm vào người khác (tất nhiên trừ một số trường hợp cá biệt).

5. Con đã lớn rồi

Đa phần người Á Đông thường nghĩ rằng con vẫn còn nhỏ lắm, và họ có xu hướng bảo bọc cho con, cả đến khi con đã trưởng thành vẫn nhìn chúng như một đứa trẻ. Thậm chí, họ lao lực cả đời để dành dụm tài sản cho con. Dân Âu Mỹ thì khác. Con đã lớn rồi, con có thể làm được điều đó. Hãy tự đứng trên đôi chân của chính mình. Nếu họ làm ra tiền, họ chỉ để dành cho con một phần với quan điểm "cho cần câu chứ không cho cá", ngoài ra họ còn phải tận hưởng cuộc sống, phải đi du lịch đây đó... - tất nhiên không phải vì họ ích kỷ và không thương con.

Một đứa trẻ bị ngã, nếu không quá nặng, nó có khóc không? Thường là không khóc ngay. Trẻ con rất nhạy cảm, khi bị ngã, trước tiên bé bất ngờ, hơi hoảng hốt nhìn quanh, nếu bắt gặp người lớn đổ xô tới xuýt xoa, bé sẽ khóc. Bé khóc không phải vì đau hay vì sợ hãi, mà chỉ để chứng tỏ mình là trung tâm đấy thôi. Nếu người lớn đánh cái sàn nhà, cái bàn, cái ghế... vì đã làm bé đau, thì bé lại càng làm mình làm mẩy, sẽ khóc to hơn, sẽ nỗ lực nặn ra thật nhiều nước mắt để mua lấy sự thương xót của người khác.

Đừng biến bé thành một đứa trẻ vị kỷ và bạc nhược như vậy. Thông điệp mà người lớn cần gửi đến bé là: hãy tự đứng lên đi con.

Rất nhiều người mẹ cảm thấy không yên lòng khi để con tự lo cho mình. Họ thấy con chưa đủ lớn để tự mình làm những điều đó. Họ quên rằng bằng tuổi con bây giờ, họ đã phải làm nhiều điều hơn thế (bởi vì hoàn cảnh ngày xưa nó thế). Hơn nữa họ cho rằng, cuộc sống bây giờ có điều kiện hơn thì phải cho con sung sướng tí.

Tất nhiên là ai cũng muốn con mình có một cuộc sống tốt rồi, nhưng theo quan điểm của mình, để con tự lập cũng là một cách tạo dựng cuộc sống tốt cho con. Mình không sử dụng người giúp việc tất nhiên không phải vì không đủ tiền, mà vì mình thấy chưa thực sự cần thiết ở thời điểm này, với quy mô gia đình như vậy. Quan trọng hơn, mình cần sự riêng tư trong cuộc sống, và cần môi trường để nuôi dưỡng sự tự lập của con cái cũng như tinh thần sẻ chia của các thành viên trong gia đình.

Trong khi rất nhiều "cậu ấm, cô chiêu" của các gia đình giàu có suốt ngày chỉ lo ăn chơi tiêu tùng, thì không ít người con của các tỷ phú tự đi làm thêm để kiếm tiền vào những kỳ nghỉ hè, tự lăn lộn ngoài đời học hỏi kinh nghiệm trước khi tiếp quản cơ nghiệp của cha mẹ. Vậy điều gì tạo ra sự khác biệt đó nếu không phải là môi trường và phương pháp giáo dục? Thương con không có nghĩa là bảo bọc quá mức khiến đứa bé mãi mãi không thể "lớn" nổi.

Con đã lớn rồi, nên con cần tự chăm sóc bản thân. Con chỉ cần ba mẹ giúp đỡ ở một mức độ nào đó, chứ không cần làm thay nữa. Con có bé bỏng gì nữa đâu.

Con đã lớn rồi, nên ba mẹ tôn trọng con và cho con được tự quyết định. Nhưng con cũng đừng làm gì phải hổ thẹn với lương tâm, vì con đã lớn và ý thức được đúng sai mà.

Con đã lớn rồi, con cần biết đem yêu thương và hiểu biết của mình chia sẻ cho người khác. Khác biệt giữa yêu quý bản thân và lòng vị kỷ là biết trân trọng người khác từ sự trân trọng chính mình.

Con đã lớn rồi, nên con hãy chứng tỏ sự tự lập và tự chủ của mình. Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, nên phải sống sao cho không phải nuối tiếc.

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Vui cùng lá hoa

Sáng nay, như mọi ngày, vừa mở cửa sổ phòng con gái là một màu xanh mát rượi đập vào mắt. Gần 3 năm nay, thanh tú vẫn nở đều, dù chỉ uống độc có món nước lã mà thôi. Em này đúng là đẹp người đẹp nết, đẹp cả tên.



Tóc tiên dây đang "dậy thì", chưa ra hoa nên không rõ ẻm diện áo đỏ, hồng hay trắng.


Dã yên thảo vẫn mỗi ngày đều đặn mấy bông. Ẻm đang tuổi thiếu niên nên hoa chưa được sum suê như cây trưởng thành.


Cây kiwi của chồng. Đây là em nhi đồng, còn khoảng 5-6 em khác lớn hơn, có em đã cao nửa mét, lá vươn xanh mướt.


Morning Glory hồng ra nụ:


Cây raspberry (mâm xôi) và stevia cũng của chồng:


Và một bông sen trong khuôn viên bên nhà:


Thêm vài tấm "điệu" cùng thanh tú: