Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Thủ tục sang tên làm sổ đỏ & làm sổ mới

Bước 1: Hai bên đến Văn phòng công chứng ký kết hợp đồng chuyển nhượng (hoặc hợp đồng tặng cho) quyền sử dụng đất;

Bước 2: Một trong hai bên theo thảo thuận thực hiện nghĩa vụ tài chính (thuế và lệ phí) tại bộ phận 1 cửa của Văn phòng đăng ký QSDĐ;
Bước 3: Nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhận phiếu hẹn tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất;
Bước 4: Nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại bộ phận 1 cửa.


2. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm:
1. Đơn xin cấp GCNQSDĐ (theo mẫu);
2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản chính + bản sao chứng thực);
3. CMTND, sổ hộ khẩu của các bên (bản sao chứng thực);
4. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (công chứng);
5. Hồ sơ kỹ thuật thửa đất (bản chính) (trong trường hợp hợp chia tách, hoặc hợp nhất nhiều thửa đất);
6. Giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng nhân thân (bản sao);
7. Biên lại nộp nghĩa vụ tài chính (bản chính)

3.1 Lệ phí:
Lệ phí trước bạ = 0,5 % x Khung giá đất do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định.

3.2 Thuế thu nhập cá nhân: Có hai phương pháp tính sau đây:
Cách 1: Thuế thu nhập cá nhân = 25% giá trị lợi nhuận (giá bán)
Giá bán: là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng;



- Đối với đất có nguồn gốc Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất thì căn cứ vào chứng từ thu tiền sử dụng đất;
- Đối với đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng từ các tổ chức, cá nhân thì căn cứ vào giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (khi mua);
- Đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất là giá trúng đấu giá;
- Đối với đất có nguồn gốc không thuộc các trường hợp nêu trên thì căn cứ vào hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định giá vốn.

Cách 2: Áp dụng khi không xác định được giá mua

Thuế thu nhập cá nhân = 2% Giá chuyển nhượng (giá ghi trong hợp đồng).


4. Thời gian thực hiện: Không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (trường hợp phải trích đo địa chính thửa đất thời gian giải quyết không quá 30 ngày).

Lưu ý: Diện tích tối thiểu được tách thửa tại Bình Dương được quy định như sau:

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định số 28/2013/ QĐ-UBND về diện tích tối thiểu các loại đất được phép tách thửa trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

+ Các thửa đất mới hình thành và còn lại sau khi tách thửa theo quy định nói trên phải bảo đảm:

a) Đối với thửa đất ở sau khi được tách thửa phải tiếp giáp đường hoặc lối đi công cộng và có kích thước bề rộng và chiều sâu tối thiểu là 4m;

b) Đối với trường hợp thửa đất có đất ở gắn liền đất nông nghiệp chỉ áp dụng diện tích đất tối thiểu đối với một loại đất đủ điều kiện tách thửa;

c) Thửa đất không thuộc khu vực phải thu hồi đất đã được công bố hoặc đã có quyết định thu hồi đất. 

+ Một số quy định cụ thể về tách thửa các loại đất: 

1. Diện tích được phép tách thửa theo các mức quy định tại quyết định này không tính phần diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ công trình công cộng. 

2. Trường hợp người sử dụng đất đề nghị tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc đề nghị được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận) cho thửa đất mới. 

3. Trường hợp đất ở thuộc các dự án đã được Nhà nước giao đất, phân lô theo quy hoạch chi tiết được duyệt thì thửa đất được xác định theo dự án và quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Trường hợp có nhu cầu tách thửa thì thửa đất mới được hình thành phải thỏa mãn với các điều kiện quy định tại quy chế quản lý xây dựng khu dân cư và được UBND cấp huyện xem xét giải quyết cụ thể. 

4. Thửa đất đang sử dụng được hình thành trước ngày 1-7-2007 (ngày có hiệu lực thi hành Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ) thì được cấp Giấy chứng nhận nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai. 

5. Thửa đất được hình thành do người sử dụng đất tự tách ra từ thửa đất đang sử dụng kể từ ngày quyết định này có hiệu lực thi hành trở về sau mà thửa đất đó có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì không được cấp giấy chứng nhận, không được làm thủ tục thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất hoặc thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. 

+ Xử lý các trường hợp cá biệt: 

1. Một số trường hợp cá biệt có nhu cầu tách thửa đối với đất ở nhưng không bảo đảm diện tích tối thiểu theo quy định này, giao cho UBND huyện, thị xã, thành phố xem xét giải quyết cụ thể thông qua Hội đồng tư vấn. Tuy nhiên, diện tích thửa đất mới hình thành và còn lại sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu là 36m2 và có kích thước bề rộng và chiều sâu tối thiểu là 3m. 

2. Giao UBND huyện, thị xã, thành phố quyết định thành phần Hội đồng tư vấn; quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn; cơ chế hoạt động và chế độ báo cáo theo đúng quy định pháp luật hiện hành. 

3. Giao chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm việc trình thông qua Hội đồng tư vấn một số trường hợp cá biệt có nhu cầu tách thửa đối với đất ở trên địa bàn. 

+ Quyết định 28/2013/QĐ-UBND không áp dụng cho các trường hợp sau: a) Các giao dịch về quyền sử dụng đất có tách thửa đúng quy định pháp luật về đất đai, xây dựng đã được công chứng, chứng thực hoặc đã được UBND cấp xã xác nhận trước ngày quyết định này có hiệu lực thi hành; b) Các thửa đất được tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất; c) Thừa kế quyền sử dụng đất hoặc thừa kế về nhà và tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật; d) Bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định số 34/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; e) Đất hiến tặng cho Nhà nước, đất cho tặng hộ gia đình cá nhân để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương. 

+ Đối với các trường hợp tự ý phân lô, bán nền; phân lô tách thửa không đúng quy định, không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian vừa qua, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát, chỉnh trang và kiên quyết xử lý theo quy định. Trường hợp vướng mắc, UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo Sở Xây dựng chủ trì cùng các sở, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lý từng trường hợp cụ thể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét